Chống chuyển giá, Kiểm toán Nhà nước lại nhắc tên Sabeco

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, không chỉ các DN FDI mà đến nay có cả nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Vụ việc tiêu biểu về chuyển giá được lãnh đạo KTNN và các đại biểu nhắc đến là Sabeco, Metro Việt Nam…

KTNN đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng.
Tại Hội thảo “Chuyển giá - những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức ngày 19/7, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, không chỉ các DN FDI mà đến nay có cả nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Vụ việc tiêu biểu về chuyển giá được lãnh đạo KTNN và các đại biểu nhắc đến là Sabeco, Metro Việt Nam…
“Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, Tổng KTNN cho hay.
Cùng nhắc đến Sabeco, theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN, tại cuộc kiểm toán Sabeco, KTNN đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng. Cụ thể, Sabeco vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia. Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco. Công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do DN này chi phối với giá thấp. Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, đến nhà hàng…, sau đó mới đến người tiêu dùng.

“Như vậy, theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTC, khó xác đinh giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế. KTNN kết luận Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty Thương mại Sabeco. Theo đó, Sabeco phải nộp thêm ngân sách hơn 408 tỷ đồng. Hiện, DN này đã nộp đủ số thuế này”- ông Hòa thông tin.

Số liệu từ KTNN, trong giai đoạn 2015 - 2017, có khoảng 50% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ nhiều năm liền. Mặc dù kê khai lỗ liên tục, song, các DN nàyvẫn tiếp tục mở rộng sản xuất. Có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Một số ví dụ điển hình được các đại biểu nêu ra. Đó là Metro Việt Nam. Đơn vị này bắt đầu kinh doanh từ ngày 28/3/2002. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến 2013 đã kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng. Mặc dù đã được thanh tra nhiều lần, song chỉ sau khi Metro công bố thương vụ bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan, với giá trị lên tới 879 triệu USD vào năm trước, gấp gần 3 lần tổng vốn đầu tư thì nghi vấn chuyển giá của tập đoàn này mới được đặt ra đối với các cơ quan chức năng. Sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng.

Theo đánh giá, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp.
Một DN khác được nhắc tên nữa là Công ty Hualon Corporation Việt Nam. Đây là Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Malaysia, Đài Loan - British Virgin Island chuyên sản xuất sợi và dệt vải. Suốt gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Hualon liên tục báo lỗ. Tính đến hết năm 2010, số lỗ lũy kế của công ty tới hơn 1.000 tỷ đồng và Hualon chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù bị lỗ nhưng công ty vẫn mở rộng sản xuất liên tục. 

Qua thanh tra, Tổng cục Thuế đã buộc công ty phải giảm toàn bộ số lỗ. Trong đó, cắt giảm số lỗ phát sinh giai đoạn 2006 - 2009 tới 621,1 tỷ đồng, giảm chuyển lỗ của giai đoạn trước năm 2006 vào giai đoạn 2006 - 2009 và giảm tiếp chuyển lỗ sang năm 2010 là 335,2 tỷ đồng. Kết quả, công ty Hualon có lãi lớn và tổng số thuế thu nhập bị truy thu lên tới 78,1 tỷ đồng.
Theo các đại biểu, Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế hiện hành. Ông Phan Vũ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết: “Trong môi trường thuế quốc tế hiện nay, các chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) đã được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các doanh nghiệp VN muốn đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư”. Theo ông Hoàng, điều này đòi hỏi công sức và thời gian lớn, cũng như đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao. Đổi lại, chương trình hành động BEPS sẽ đem lại những lợi ích về lâu về dài, như tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch của các cơ quan thuế quốc gia khi xử lý giao dịch; đồng thời giúp cho các tập đoàn có điều kiện thiết lập những thoả thuận trước với cơ quan thuế, đem lại lợi ích lớn cho việc lập kế hoạch của Tập đoàn.