Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống chuyển giá: Lỏng khâu hậu kiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, chuyển giá diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách (NS) Nhà nước.

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cách thức tiến hành điều tra để đi tới một kết luận thỏa đáng đòi hỏi có sự chuẩn bị nghiêm túc và sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia.Chống chuyển giá: Lỏng khâu hậu kiểm - Ảnh 1

Nghi vấn chuyển giá - trốn thuế của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường xuyên được đặt ra nhưng rất ít trường hợp bị "đưa ra ánh sáng", đâu là nguyên nhân khiến các DN FDI có thể giấu lãi tinh vi như thế?

- Có thể nói, chuyển giá đang là vấn đề nóng khi mà nhiều DN lợi dụng việc này để thực hiện trốn lậu thuế. Cùng với các chiêu trò tinh vi, nhiều DN còn có kinh nghiệm đầu tư - kinh doanh lâu năm trên thị trường quốc tế nên dễ dàng tạo lập các kế hoạch kinh doanh không lành mạnh để thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế phù hợp với thông lệ kinh doanh quốc tế... Một số DN hoạt động ở Việt Nam có tình trạng trốn lậu thuế tương đối lớn. Qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan chức năng cũng truy thu được một lượng khá lớn. Nhưng vấn đề đặt ra là ở đây có tình trạng chuyển giá hay không? Ngay cả CocaCola, có những nguyên phụ liệu đặc chủng bí mật chỉ có tập đoàn này mới có, do đó khi nhập khẩu vào Việt Nam, DN này đã kê khai giá lên rất cao dẫn đến đội chi phí, giảm lợi nhuận và liên tục báo lỗ. Hay một số đơn vị lắp ráp ô tô được các công ty con cung cấp phụ tùng. Chưa kể những tập đoàn toàn cầu, họ sẽ dễ dàng phân phối lợi nhuận cho nhau để giảm đóng góp thuế. Tất cả những việc này, vừa qua ngành thuế đã chỉ đạo rà soát lại để có biện pháp ngăn chặn, truy thu.

Để đối phó với hiện tượng chuyển giá, cơ quan thuế Việt Nam đã có thể áp dụng APA (Thỏa thuận định giá trước), song đến nay vẫn chưa có một vụ nào được kết luận chính thức và xử lý? Ở nước ngoài, họ áp dụng chống chuyển giá thế nào?

- Các DN trốn thuế thường là “lách luật” trên chính những sơ hở trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam. Cái vướng nhất hiện nay là tìm ra yếu tố bất hợp pháp trong hoạt động chuyển giá để ngăn chặn. Hiện nay, chúng ta đang rà soát để sửa đổi lại các luật như: Luật Quản lý thuế, đặc biệt là quy trình giám sát đối với hoạt động chuyển giá, bởi tính đến nay, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến khâu hậu kiểm về thuế. Ở Singapore - quốc gia có nhiều tập đoàn nước ngoài lớn, những hướng dẫn về chuyển giá đều dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có hướng dẫn về xử lý đối với chuyển giá, trốn thuế từ nhiều năm qua). Tuy nhiên, Singapore hầu như không ưu tiên cho phương pháp nào trong số các phương pháp được hướng dẫn của OECD. Phương pháp xác định giá chuyển giao nào tạo ra kết quả tin cậy nhất sẽ được lựa chọn và áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Các thỏa thuận về giá đơn phương, song phương hay đa phương đều được chấp nhận ở Singapore. Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận song phương và đa phương thì phải có thỏa thuận thuế kép giữa Singapore và quốc gia liên quan.
Nhân viên sản xuất Coca Cola Việt Nam đang kiểm tra sản phẩm.
Nhân viên sản xuất Coca Cola Việt Nam đang kiểm tra sản phẩm.
Hay như tại Malaysia đang áp dụng rất nhiều phương pháp: So sánh giá thị trường tự do, phương pháp dựa vào giá bán ra; Cộng chi phí vào giá vốn; Phân chia lợi nhuận; Phương pháp lợi tức thuận từ giao dịch. Cùng với đó, Malaysia không có quy định riêng về chế tài trong luật mà tuân thủ mức phạt dao động từ 100 - 300% số thuế bị phát hiện gian lận. Đồng thời, Malaysia cũng công khai danh tính những DN thực hiện chuyển giá chiếm đoạt tiền thuế. Càng phát triển, các nền kinh tế càng có sự phụ thuộc và vấn đề chuyển giá càng trở nên dễ dàng hơn.

Mới đây, Bộ Tài chính đã thành lập bộ phận chống chuyển giá, ông đánh giá thế nào và có đề xuất gì để lĩnh vực này hoạt động thực sự hiệu quả?

- Không chỉ đối với DN nước ngoài mà với cả công ty mẹ - con của các DN trong nước cũng thực hiện việc này. Do đó, với chức năng của Bộ Tài chính trong đó có thuế, hải quan, và các cơ quan hữu quan khác phải có trách nhiệm thực hiện ngăn chặn tình trạng này. Còn việc tổ chức đội này, đội kia thế nào phải đặt tính hiệu quả lên trên hết, đồng thời không làm phình bộ máy hành chính, tăng thêm chi phí, phát hiện trúng vấn đề và xử lý kịp thời để thu đúng, thu đủ vào NS. Khi làm tốt, thanh tra giá chuyển nhượng không chỉ giúp chống thất thu NS mà quan trọng hơn giúp nâng cao ý thức tuân thủ của DN về thuế.

Xin cảm ơn ông!