Tuy nhiên, hoạt động chống buôn bán, sản xuất hàng giả vẫn chưa có nhiều tiến bộ do thiếu cơ chế.
Chồng chéo khó xử lý
Theo bà Thái Ngân Sinh Hồng, đại diện hãng mỹ phẩm Nivea tại Việt Nam: Hiện hàng giả không chỉ dừng lại ở việc nhái nhãn mác hàng thật mà đã được "nâng cấp" lên một mức cao hơn là sản xuất hẳn một sản phẩm mới dán mác hàng chính hãng. Chẳng hạn Nivea chỉ sản xuất son dưỡng môi dành cho nữ, không sản xuất son dưỡng môi cho nam, nhưng trên thị trường lại xuất hiện son dưỡng môi nam giới mang nhãn hiệu Nivea, đây là hàng giả 100%. Các sản phẩm phấn trang điểm, bút kẻ mắt cũng vậy.
Trong khi những kẻ sản xuất có nhiều thủ đoạn mới, thì việc chống hàng giả lại chưa đáp ứng được nhu cầu do thiếu cơ chế. Tại hội thảo đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Chi cục QLTT Hà Nội tổ chức ngày 28/11, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng: Việc sản xuất buôn bán hàng giả chưa thể dẹp được không chỉ ở việc chế tài xử phạt còn nương nhẹ mà cơ chế thực thi pháp luật, đặc biệt, cơ chế kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm vẫn còn chồng chéo. Không chỉ vậy, cơ chế phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng trong công tác này còn lỏng lẻo, tình trạng địa phương, cục bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Cho đến nay, chưa có cơ quan nào được phân công cụ thể và có cơ chế thu thập, tổng hợp thông tin đầy đủ về hoạt động đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả do vậy khó có cái nhìn tổng hợp về lĩnh vực này.
Nên giao trách nhiệm cụ thể
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Nga, Trưởng ban bảo vệ quyền của người tiêu dùng Cục quản lý cạnh tranh: Để tránh tình trạng chồng chéo trong việc xử lý hàng lậu, hàng giả, việc xử lý nên giao cho một cơ quan duy nhất. Có quy định, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng trên từng địa bàn. Ông Vương Trí Dũng cũng cho rằng: Buôn lậu, làm hàng giả nhập khẩu gắn với chuyển tiền, nếu kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán tiền của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả sẽ làm giảm đáng kể khả năng thực hiện buôn bán hàng qua biên giới.
Tuy nhiên, để công tác chống hàng giả đi vào thực chất, lực lượng chức năng cần xây dựng các phương án chống hàng giả đối với từng mặt hàng cụ thể và đặc biệt là theo tuyến, địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, các bộ, ngành có liên quan cần triển khai ngay việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có biện pháp xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp... Bên cạnh việc đưa ra các chế tài, văn bản hướng dẫn thi hành, cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với nhau và với các hiệp hội, doanh nghiệp.
Nhưng quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phù hợp với sức mua của người có thu nhập thấp và đến thị trường nông thôn. Qua đó giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm hạn chế nguồn nhân lực làm hàng giả.