Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống xâm hại tình dục trẻ em từ trong gia đình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng 1.700 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm tới 65% và có tới 85% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết… là những con số đáng buồn được Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) công bố mới đây.

Trong khoảng 1.700 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm tới 65% và có tới 85% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết… là những con số đáng buồn được Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) công bố mới đây. Điều đó cho thấy, gia đình vốn là nơi an toàn nhất nhưng cũng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ bị xâm hại tình dục.

 Giật mình trước con số 85%

Bên cạnh số liệu mà Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đưa ra, kết quả nghiên cứu của Tổ chức Plan Internation tại 30 trường phổ thông tại Hà Nội cho thấy, 11% trẻ em từng bị lạm dụng, xâm hại tình dục trong trường học. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề xâm hại tình dục trẻ em lại trở nên cấp bách như lúc này. Bà Phạm Thị Thoa - Phó trưởng Ban Gia đình - Xã hội (T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tỏ ra đau xót bởi gia đình - nơi an toàn nhất lại là nơi trẻ dễ bị xâm hại nhất. “Nạn nhân của những vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường là các bé gái, số tuổi của các bé bị xâm hại ngày càng trẻ, cá biệt có những trường hợp nạn nhân mới vài tháng tuổi. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, 85% trẻ bị bạo lực và xâm hại tình dục bởi những người quen biết, họ hàng, láng giềng, không ít các vụ thủ phạm chính là bố dượng, cậu, chú, anh rể... của nạn nhân” – bà Thoa cho hay.
Sản phẩm truyền thông phòng chống bạo lực trẻ em của học sinh trường THCS Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô.
Sản phẩm truyền thông phòng chống bạo lực trẻ em của học sinh trường THCS Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này do sự xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy, ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý người lớn và một bộ phận thanh, thiếu niên. Việc sử dụng rượu, bia quá mức dễ dẫn đến hành vi thú tính xâm hại tình dục ngay cả con, cháu của mình. Nhiều bố mẹ mải mê công việc, để trẻ em ở nhà một mình hoặc giao phó cho người khác làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục. Nhiều trường hợp trẻ bị chính người thân, họ hàng hoặc hàng xóm xâm phạm, nhưng không dám nói với ai nên bị xâm hại nhiều lần…

Gia đình giữ vai trò nòng cốt

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, gia đình phải giữ vai trò nòng cốt. Vì thế, bà Thoa đưa ra giải pháp: “Các tổ chức đoàn thể, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các gia đình về trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, chăm sóc con cái để phòng tránh bị xâm hại. Gia đình và nhà trường cần giáo dục kiến thức về giới tính cho trẻ, hướng dẫn các em kỹ năng, ý thức tự bảo vệ mình trước hành vi bạo lực và xâm hại tình dục”.

Đưa ra giải pháp về mặt pháp lý, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, tới đây, Bộ LĐTB&XH đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ có những quy định cụ thể về các quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân trong việc phát hiện, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại, bạo lực. Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc giám sát, truyền thông và tham gia thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em cũng sẽ được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật.

Rõ ràng, gia đình là nơi an toàn nhất, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại. Do đó, bên cạnh việc tăng cường quản lý, giám sát của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội thì việc chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em phải được chính các gia đình đặt lên hàng đầu.