Kết thúc phiên họp sáng nay (6/8), Hội đồng lương Quốc gia (gồm đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 là 15% (tương đương 300.000-400.000 tùy vùng). Đây là mức gần với mức mà VCCI và Bộ LĐ-TB-XH đề xuất.
Sau cuộc họp này, phương án tăng lương tối thiểu vùng sẽ được trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trả lời PV về mức tăng này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù tăng bất kỳ một phần trăm nhỏ nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay nhưng là việc làm cần thiết.
Bàn thêm về lương, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải nghiên cứu lại tiêu chí “mức sống tối thiểu”, phải qui định như thế nào cho hợp lý. Vì thu nhập của một công nhân không phải chỉ nuôi bản thân người đó và gia đình của họ mà còn phải chăm sóc bố mẹ, việc tang, cưới hỏi… chứ đâu phải để ăn hết. “Tiền anh làm ra có thể gửi về quê thì làm sao tính được chính xác mức sống tối thiểu” – ông Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, “Nhu cầu tối thiểu cần hiểu thế nào cho đúng, cho đủ? Với anh A, một tuần phải đi xem ca nhạc một lần thì mới là tối thiểu, nhưng với anh B thì cái tối thiểu lại khác. Việc này còn phải bàn luận thêm rất nhiều và không dễ đưa ra được tiêu chí chính xác bởi tiền lương luôn là vấn đề phức tạp”.
Nói về khó khăn đối với DN khi tăng lương trong tình hình hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, gánh nặng cho DN sẽ tăng lên và điều này không chỉ ảnh hưởng tới người đang có việc làm mà cả 1,6-1,7 triệu lao động hàng năm bước vào tuổi lao động cũng có nguy cơ không có việc làm.
Chính từ những khó khăn này, Chính phủ cần có một loạt các biện pháp trợ giúp DN. Cần các biện pháp yểm trợ cho DN để họ thực hiện được yêu cầu tăng lương, giải quyết đời sống cho người lao động. Đồng thời với đó nâng cao tay nghề, năng suất lao động… Lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ là thuộc về DN. Nếu quá khó khăn, DN đang hoạt động phải đóng cửa, giải thể, còn DN mới thì không vào được; nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ rất cân nhắc khi đầu tư… tất cả những điều đó sẽ giảm tốc độ thành lập, phát triển DN. Khi giảm rồi thì công ăn việc làm rất khó khăn. “Chính mục tiêu tạo ra công ăn việc làm lúc này mới là quan trọng nhất” – ông Vũ Tiến Lộc nhắc lại.
Việc tăng lương, theo ông Lộc, cần có lộ trình, nhưng quan trọng nhất “phải căn cứ vào sức chịu đựng của DN trong bối cảnh hiện nay để hướng tới mục tiêu công ăn việc làm”. Nhưng cốt yếu nhất lúc này là cần có biện pháp để hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả, nâng cao cạnh tranh. Vì yêu cầu công ăn việc làm là số 1 và làm sao môi trường kinh doanh phải hấp dẫn để nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có thể đầu tư làm ăn. Trong lúc này, người lao động và DN phải chia sẻ trách nhiệm, hy sinh một phần lợi ích để thúc đẩy đầu tư, sản xuất. Chúng ta đang là một nền kinh tế dựa trên lợi thế về lao động rẻ. Từ lao động rẻ chuyển sang lao động chất lượng, có giá trị gia tăng cao, tiền lương cao thì phải có quá trình.
Cho rằng các căn cứ đưa ra để tăng lương lần này chưa thực sự xác đáng, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cả 3 cơ quan cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát lại toàn bộ trước khi đưa ra kết quả cuối cùng.
“Việc tăng lương là cần thiết nhưng quan trọng là mình phải có căn cứ chính xác. So với các nước, tiền lương ở Việt Nam vẫn tương đối thấp nên dần dần phải nâng cao để cải thiện đời sống cho người lao động. Vấn đề là phải căn cứ vào lạm phát, tăng năng suất lao động. Còn mức độ cải thiện tiền lương, mỗi năm tăng khoảng 10% thì cũng là hợp lý. Với tốc độ như vậy thì 10 năm sau lương của công nhân mới tăng gấp đôi và khi năng suất lao động tăng thì đương nhiên người lao động phải được hưởng” – ông Lộc khẳng định.