Thực tế, tại Hà Nội, bên cạnh những chủ đầu tư thực hiện tốt, còn có không ít chủ đầu tư được bàn giao đất sạch mà tiến độ dự án vẫn chậm; có chủ đầu tư tự xin chuyển đổi mục đích từ dự án nhà ở thương mại sang NƠXH nhưng sau đó lại thực hiện dự án kiểu… "lừng khừng".
Gặp khó về vốn cho nhà ở sinh viên
Hiện, trên địa bàn TP có 6 dự án nhà ở sinh viên đang triển khai, trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng khu ký túc xá tập trung (Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp) do TP đầu tư. 4 dự án khác nằm trong khuôn viên các trường và được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ngân sách TP. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tất cả các dự án đều chậm tiến độ so với yêu cầu, khó khăn về vốn. Điển hình tại Dự án Mỹ Đình 2 đang thiếu khoảng 78,6 tỷ đồng giá trị khối lượng xây dựng đã được phê duyệt không nằm trong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong khi 31,6 tỷ đồng vốn thiết bị đồ rời (bàn ghế, giường, tủ) đang được bổ sung theo phương thức xã hội hóa.
Tại Dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp, cần tới 696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP để hoàn thiện 4 khối nhà (A1, A2, A5, A6). Các khối nhà này sẽ đáp ứng chỗ ở cho hơn 10,5 ngàn sinh viên. Nhà A3 thuộc dự án đã hoàn thiện phần thô nhưng đang phải tạm dừng do thiếu vốn. Để tháo gỡ khó khăn cho Dự án này, Sở Xây dựng đã trình phương án chuyển đổi nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đề xuất này còn nhận được quan điểm trái chiều từ các bộ, ngành, trong đó, Bộ Xây dựng đồng ý còn Bộ KH&ĐT không đồng ý.
Với dự án xây dựng khu ký túc xá tập trung đã gần hoàn thành, song lại đang thiếu vốn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: "Áo đã may xong, còn đơm cúc, may túi mà không làm thì không thể được. Dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mà chỉ vì thiếu vài chục tỷ mà không đưa vào hoạt động, phục vụ sinh viên thì quá lãng phí". Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở KH&ĐT chú ý bố trí nguồn vốn cho các hạng mục nhà đã cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2014, đưa sinh viên vào ở phục vụ năm học mới. Sở Xây dựng cùng Sở Tài chính cũng phải khẩn trương tiến hành xây dựng phương án tính giá cho thuê nhà sinh viên.
Không để chủ đầu tư… câu giờ
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đã rà soát tiến độ các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng thời, yêu cầu các ngành làm việc cụ thể với các khu công nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý việc triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của công nhân tại các khu ở. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dự án có tới 6 đơn nguyên với 2.700 chỗ trống không có công nhân thuê do hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, đây là dự án thí điểm, sử dụng nguồn vốn ngân sách nên còn thuận lợi hơn các dự án khác. Để xảy ra tình trạng công nhân không vào ở là do hạ tầng còn thiếu, bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành có vấn đề. Những vấn đề này cần được rà soát để bổ sung và có những phương án xử lý dứt điểm.
Đối với các dự án xây dựng nhà thu nhập thấp, có một số dự án đã có mặt bằng sạch, nhưng tiến độ vẫn chậm như Dự án tại Khu đô thị mới Thanh Lâm, Đại Thịnh; Dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại ô đất N07-1 và N07-2 thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng; Dự án xây dựng nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Trung Văn mở rộng. Một số dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển sang nhà thu nhập thấp đã được TP chấp thuận, nhưng thực hiện không khẩn trương. Cùng với việc đôn đốc, kiểm tra tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý Sở Xây dựng về khâu hậu kiểm với các dự án nhà thu nhập thấp.
Về vấn đề hậu kiểm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị, TP sớm thành lập đoàn kiểm tra các dự án thu nhập thấp để kiểm tra, rà soát cả về tiến độ và quá trình xét duyệt đối tượng, tránh sự lệch lạc trong việc thực hiện một chủ trương lớn của Chính phủ.
Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
|
Yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký tiến độ và tiến hành kiểm tra việc thực hiện cam kết, không để chủ đầu tư "câu giờ". Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn |