Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ doanh nghiệp tự sát vì tín dụng đen

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong vòng một năm qua, thị trường tín dụng ngầm nhanh chóng bùng nổ tại thành phố Ôn Châu và nhiều nơi khác của Trung Quốc như Quảng Đông hay khu vực Nội Mông. Điều này cho thấy tác động của việc thắt chặt tín dụng đối với hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân.

Không thể trả nổi những khoản nợ với lãi suất khủng từ tín dụng đen, hơn 90 chủ doanh nghiệp tại thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã bỏ trốn, 3 người tự sát.

Trong vòng một năm qua, thị trường tín dụng ngầm nhanh chóng bùng nổ tại thành phố Ôn Châu và nhiều nơi khác của Trung Quốc như Quảng Đông hay khu vực Nội Mông. Điều này cho thấy tác động của việc thắt chặt tín dụng đối với hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, nó cũng báo động tính rủi ro lớn của tình trạng lãi suất tăng nhanh trên thị trường cho vay phi chính thức đang phát triển và lan rộng ở Trung Quốc.

Ước tính thị trường tín dụng tư nhân của Trung Quốc chiếm khoảng 10% GDP. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát nợ xấu tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ôn Châu được coi là “thủ đô” của doanh nghiệp vừa và nhỏ với gần 400.000 doanh nghiệp. Thị trường tín dụng đen ngày càng bùng nổ tại các thành phố như Ôn Châu khi các cá nhân hay doanh nghiệp có nhiều tiền mặt tại đây muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn bằng cách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với lãi suất từ 40% một năm trở lên. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết có đến gần 90% cư dân tại thành phố Ôn Châu và gần 60% doanh nghiệp tại đây tham gia vào thị trường tín dụng tư nhân.

Khi tham gia vào thị trường này, tuy thu được lợi nhuận lớn nhưng người cho vay phải chịu mức rủi ro cao mà nhiều người nhận xét “giống như một canh bạc vậy”. Đối với chủ các doanh nghiệp nhỏ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến nguồn tín dụng tư nhân để vay tiền bất chấp việc phải trả mức lãi suất cao ngất.

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn ở Trung Quốc không thể tiếp cận khoản vay của các ngân hàng phải quay sang thị trường tín dụng tư nhân với lãi suất hàng năm lên tới 100%, cao gấp hơn 15 lần so với lãi suất cho vay chuẩn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng. Nguyên nhân là do các ngân hàng của Trung Quốc không được phép áp dụng mức lãi suất cao hơn đối với các khoản cho vay nhiều rủi ro nên chủ yếu chỉ cho các doanh nghiệp quốc doanh lớn vay, tránh né các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nói chung của Trung Quốc đang suy giảm do tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp và tiền lương trả cho công nhân tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Ôn Châu đã rơi vào cảnh không thể trả nợ và dẫn tới tình trạng phá sản hàng loạt. Trong số 360.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, từ đầu năm đến nay có 30% ngừng hoạt động hoặc đóng cửa. Một số doanh nghiệp phá sản đã phải vay ngoài với lãi suất mỗi năm lên đến 120%. Ngoài ra, có đến gần 100 chủ doanh nghiệp đã tìm cách bỏ trốn và có tới 3 người tự sát vì không thể trả nổi các khoản nợ khổng lồ.

Nhằm xử lý tình hình đáng báo động này, chính quyền thành phố Ôn Châu đã áp mức giới hạn trần đối với lãi suất ngầm nhằm hạn chế rủi ro cho ngành công nghiệp ngân hàng tại thành phố này. Theo đó, các tổ chức tín dụng tư nhân sẽ chỉ có thể cho vay với lãi suất không cao quá 4 lần so với mức lãi suất chuẩn của cả nước.

Chính quyền thành phố này cũng yêu cầu các tổ chức này hỗ trợ về tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách áp mức lãi suất trần đối với các khoản cho vay cho công ty này. Theo đó, lãi suất không được quá 30% mức lãi suất chuẩn của cả nước. Hiện tại, lãi suất cho vay chuẩn của Trung Quốc đang ở mức 6,56%.

Tuy vậy, theo nhà phân tích Ren Xianfang, thuộc IHS Global Insight, “cuộc khủng hoảng tín dụng đen đã lan ra toàn quốc khi mà tín dụng tư nhân đang dần mở rộng ra khắp Trung Quốc”. Và nếu chính phủ Trung Quốc không tìm ra cách giải quyết thỏa đáng, hệ thống tài chính nước này sẽ bị đẩy vào tính trạng nguy hiểm.