Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - CMCN 4.0”, diễn đàn cấp cao phiên toàn thể sáng nay (3/10) tập trung phổ biến quán triệt Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0,” và các báo cáo mang tính định hướng định hướng, chiến lược hướng tới nền kinh tế số xã hội số và chia sẻ kinh nghiệm khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chuyển đổi số.

Phiên toàn thể cấp cao được đồng chủ trì bởi Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại điện các bộ, ngành liên quan.
Quang cảnh diễn đàn.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, việc xác định, chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Có thể xem đây là khâu đột phá, có ý nghĩa tích cực đến việc thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0.
Thứ hai, CMCN 4.0 mang đến cả cơ hội và thách thức. Trong đó, xác định cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên, phải chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với tất cả tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn, công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng thể chế cho phù hợp, phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các cơ chế thí điểm đối với các vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó phải tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo. Kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng bàng quan, thờ ơ, thụ động, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Thứ tư, huy động mọi nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ nguồn lực cho việc chủ động, tích cực tham gia CM4.0. Trong đó, các nguồn lực trong nước có vai trò quyết định, các nguồn lực nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Trong năm 2019, hàng loạt nội dung liên quan đến CMCN 4.0 đã được Chính phủ chủ động triển khai. Cụ thể, giao các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030; dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia; dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia… Đáng lưu ý, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy).
“Đây chính là những bước đi cụ thể, mạnh mẽ nhằm hiện thực hoá, triển khai và đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống, góp phần tạo động lực bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam sẽ chủ động tham gia CMCN 4.0 với phương châm bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn.
CM4.0 là cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, là cơ hội để kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục bứt phá. Quan điểm Nghị quyết 52 rõ ràng: “Phải coi việc chủ động tham gia CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”. Nhiều khuyến nghị chính sách của các chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra “đường đi nước bước” cho Việt Nam trên con đường tận dụng cơ hội CMCN 4.0 để đi tới thịnh vượng. Cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghệ 4.0 với sự tham dự của 4.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức.

Bên lề Diễn đàn, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 sẽ mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế tiêu biểu như: VNPT, Viettel, Qualcomm, FPT, Vietcombank, ABB, Samsung, SAP, CMC…