Một trong những vấn đề được đưa ra là phải chủ động thực hiện chế định đương nhiên xóa án tích.
Theo Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia Hoàng Quốc Hùng, Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên cho người bị kết án. Ngoài ra, Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thủ tục xóa án tích; trong đó, khoản 1 nêu rõ: “Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”.
Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP được đề cao và phải chủ động trong việc theo dõi, cập nhật thông tin về án tích, đặc biệt phải chủ động trong việc tiến hành xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để bảo đảm đáp ứng thời hạn cấp Phiếu LLTP liên quan đến trường hợp đương nhiên xóa án tích quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thi hành quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về giao trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong cập nhật, xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thì cần thiết phải bổ sung trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin về việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, khó khăn trong việc cập nhật ở chỗ, cơ sở dữ liệu LLTP hiện chỉ có thông tin từ khi một người bị kết án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không có thông tin về hành vi phạm tội cũng như quá trình tố tụng liên quan.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề xuất, để cập nhật thông tin, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cần đề nghị cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, cơ quan có thẩm quyền thuộc Viện KSND Tối cao cung cấp thông tin, chứ không yêu cầu Sở Tư pháp nơi người bị kết án cư trú tiến hành xác minh.