Tại Hội thảo lần thứ 2 về biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam vừa được tổ chức, TS Trần Văn Miều, Trưởng ban Truyền thông môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển tăng nhanh trong vòng 100 năm qua, đặc biệt trong khoảng 25 năm gần đây. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,5 - 0,7 độ C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, bão lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình, năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 3 độ C, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác vùng ven biển bị ngập, trong đó, TP. HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích. Khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu với nước ta rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu cũng tạo ra động lực thúc đẩy sự thay đổi các mô hình phát triển, mẫu hình tiêu thụ, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng năng lực cạnh tranh, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít các-bon, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó
Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và tầm nhìn đến năm 2100 đã xác định, phải chủ động ứng phó và thích nghi với vấn đề này, để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, để hạn chế những tác động tiêu cực của con người lên môi trường ở mức thấp nhất, các chuyên gia cho rằng, Chiến lược cần phải nhấn mạnh hơn cách tiếp cận theo nhu cầu của cộng đồng, thay đổi hành vi của cộng đồng và tăng cường nhận thức cộng đồng. Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề sức khỏe của con người là vô cùng quan trọng. Vậy nên, trong Chiến lược cần qui định rõ vai trò của Bộ Y tế đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại diện Quĩ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Vì thế, đối tượng này phải là một chủ thể thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại diện UNICEF đưa ra giải pháp đào tạo giáo dục mà cụ thể là xây dựng chương trình giảng dạy liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua việc đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các yếu tố bảo vệ môi trường. Một số ý kiến cũng cho rằng, cần có sự kết nối giữa Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với các Chiến lược tăng trưởng xanh.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà mong muốn các nhà khoa học bám sát vào vấn đề biến đổi khí hậu và tìm ra những giải pháp thiết thực phù hợp với Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực đưa ra những giải pháp về công nghệ, những ý kiến phản biện liên quan đến các vấn đề về chính sách, chiến lược, những vấn đề về mô hình phát triển... nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.