Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội luôn phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng từ những đợt...

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội luôn phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng từ những đợt bão, lũ. Trước mùa mưa bão đang tới gần và diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, năm 2014, các cơ quan chức năng của TP đã chủ động đề ra nhiều phương án phòng chống lụt, bão cần thiết, nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu tác động của mưa bão tới cuộc sống của người dân.

Vẫn diễn biến phức tạp

Năm 2013, Việt Nam hứng chịu 14 cơn bão và 3 đợt áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Trong đó, bão số 2, số 5, số 6 và số 14 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội. Các cơn bão đã gây mưa, mưa to và rất to với tổng lượng mưa trung bình trên địa bàn TP đạt 1.934,8mm (cao hơn năm 2012 là 342,8mm, và cao hơn trung bình nhiều năm 248,1mm). Đặc biệt, cơn bão số 6 kéo dài nhiều ngày đã gây ra 35 (trong tổng số 45) sự cố về đê điều, công trình thủy lợi, điện lực, giao thông trên địa bàn 14 quận, huyện. Các cơn mưa lớn gây sạt lở bờ sông, sạt lở mái, cơ đê, tràn đê và ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của hơn 13.220ha lúa, hoa màu khu vực ngoại thành…

 
Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 3 nạo vét sông Sét trước mùa mưa, bão.	Ảnh: Lâm Nguyễn
Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 3 nạo vét sông Sét trước mùa mưa, bão. Ảnh: Lâm Nguyễn

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia), biến đổi khí hậu toàn cầu có thể gây nên những hình thái khí tượng thủy văn cực đoan rất phức tạp và khó lường. Theo tính toán, số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào Việt Nam có khả năng bằng xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 5 - 6 cơn), sẽ có khoảng 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết thêm, tại khu vực phía Bắc, trong mùa mưa bão có thể có 6 - 7 trận mưa to cục bộ với cường độ lớn. Lượng mưa có thể đạt tới mức 50mm trong 24 giờ. Khả năng gây ngập lụt đô thị và những vùng sản xuất nông nghiệp thấp là rất cao. Bên cạnh đó, mùa mưa bão năm 2014 có thể xảy ra những cơn bão mạnh và di chuyển không theo quy luật. 

Nâng cao tính hiệp đồng phối hợp

Trước những ảnh hưởng của mưa, lũ cũng như diễn biến phức tạp của thời tiết, công tác phòng chống bão, lũ luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của TP trong nhiều năm qua. Dù vậy, theo đánh giá của ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP, nhiều năm qua một số khâu trong công tác này vẫn bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục như: Nhận thức chủ quan của một bộ phận người dân và cơ quan chức năng dẫn tới buông lỏng quản lý, và vi phạm đê điều trở nên rất phổ biến; Công tác chuẩn bị trang thiết bị, hạ tầng phòng chống lụt, bão còn thiếu chu đáo; cùng với đó là sự hiệp đồng phối hợp chưa cao của một số đơn vị,… Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 4/2014, UBND TP đã ra các quyết định nhằm kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão TP, cũng như thành lập các tiểu ban chuyên trách về công tác ứng phó với bão, lũ năm 2014 trên địa bàn TP. Đồng thời, UBND TP cũng đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND quán triệt tới từng sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã những nội dung cụ thể của công tác phòng chống lụt, bão năm 2014.

Để thực hiện tốt công tác phòng chống lụt, bão, ông Chu Phú Mỹ cho rằng, ngoài vấn đề phối hợp tốt trong việc hiệp đồng giữa các cơ quan chuyên môn, thì cần sớm có quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy; các cơ quan chức năng bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư nhằm bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng và các công trình quan trọng nhằm xóa bỏ các trọng điểm phòng chống lụt bão trên các tuyến đê cấp III đến cấp đặc biệt trên địa bàn TP như khu vực thắt hẹp sông Đuống (quận Long Biên) hay khu vực cửa vào sông Đuống (huyện Đông Anh). Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu bổ sung quy trình vận hành công trình liên tỉnh cống Long Tửu để thực hiện việc tiêu nước qua cống Long Tửu ra sông Đuống nhằm giảm úng ngập nội đồng tại Hà Nội trong mùa mưa bão… 

 
“Nhiệm vụ trọng tâm trong phòng chống lụt, bão năm 2014 là kiểm tra đánh giá hiện trạng đê điều, hồ đập, nhà ở cũ; Đẩy nhanh tiến độ tu bổ các công trình phòng, chống lũ; Xây dựng phương án ứng phó với bão, lũ, đảm bảo mục tiêu yêu cầu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", huy động mọi nguồn lực tham gia phòng chống bão, lũ, ngập úng…”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ