Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động ứng phó với thiên tai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị trực...

Kinhtedothi - Sáng 14/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về công tác PCTT 8 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị.

Nhiều hậu quả nặng nề

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai từ đầu năm diễn biến bất thường và cực đoan. Nắng nóng gay gắt ở các tỉnh từ Nghệ An, Bình Thuận đến Tây Nguyên. Tại Hà Nội, nhiệt độ cũng vượt mốc lịch sử phổ biến từ 39 - 41oC. Hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vượt kỷ lục năm 1997 - 1998, một số tỉnh như Ninh Thuận, Khánh Hòa được đánh giá là hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua. Đầu năm, mưa lớn trái mùa đã gây ra một đợt lũ bất thường trên các sông khu vực miền Trung với đỉnh lũ có nơi vượt trên báo động 3 (lớn nhất trong vòng 40 năm). Khu vực phía Bắc, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân, đặc biệt là đợt mưa lịch sử tại tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 	Ảnh: Trọng Tùng
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trọng Tùng
Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, thiên tai (mưa, lũ, hạn hán, lốc sét, sạt lở đất…) đã khiến 98 người chết, 18 người mất tích và 112 người bị thương. Thiên tai cũng đã khiến 1.130 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi, trên 28.600 ngôi nhà bị ngập, tốc mái, xiêu vẹo; trên 62.800ha lúa, hoa màu bị hư hại; khoảng 45.000 gia súc, gia cầm bị chết. Hàng triệu mét khối đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng… Tổng thiệt hại khoảng 5.465 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do hạn hán). Riêng Hà Nội, từ đầu năm đã xảy ra 3 đợt thiên tai (dông, lốc) khiến 2 người chết và 11 người bị thương, 243 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại. Khoảng 350ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng; trên 7.500 cây xanh, cây ăn quả, lấy gỗ bị gãy, đổ… Thiên tai gây nên một số sự cố về điện, đường, trường, trạm ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của Nhân dân Thủ đô.

Không chủ quan trước thiên tai

Các trung tâm dự báo khí hậu thế giới nhận định, El Nino 2015 sẽ đạt cường độ mạnh kỷ lục như các năm 1982 - 1983 và 1997 - 1998. Ngoài ra, có đến 90% El Nino sẽ kéo dài tới hết mùa Đông 2015 và 85% sẽ tiếp diễn đến hết mùa Xuân 2016. Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2015 sẽ trở thành El Nino kéo dài nhất trong lịch sử 60 năm kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO - sự phối hợp hoạt động giữa hai hiện tượng xảy ra ở đại dương (El-Nino, La-Nina) và ở khí quyển (dao động Nam bán cầu).

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư nhận định, trong điều kiện El Nino, dự báo số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng có khả năng mạnh và trái quy luật. Theo đó, từ tháng 9/2015 - 2/2016, sẽ có từ 2 - 3 cơn bão tác động trực tiếp tới đất liền nước ta. Nhiệt độ trong khoảng thời gian này có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,5oC. Lượng mưa ở hầu hết các khu vực trên cả nước có khả năng ở mức thấp hơn TBNN từ 20 - 50%. Khu vực Bắc bộ được dự báo sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các ban, ngành từ T.Ư đến địa phương không được phép chủ quan trước thiên tai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù đã có nhiều cố gắng trong công tác dự báo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tuy nhiên vẫn còn rất lúng túng khi phải ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thiệt hại về người và tài sản trên biển đã giảm đáng kể trong những năm qua, nhưng thiệt hại do hậu quả mưa lũ xảy ra đối với đất liền vẫn hết sức nghiêm trọng. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác PCTT. Đặc biệt là khả năng chủ động ứng phó với sự bất thường của thời tiết… Song song với công tác tuyên truyền, cần thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập, lồng ghép các biện pháp PCTT vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ NN&PTNT đưa vào kế hoạch trung hạn kế hoạch bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác PCTT cho một số địa phương. Đồng thời, từng bước xây dựng hệ thống “an toàn dân sự” với sự tham gia của lực lượng vũ trang Nhân dân.q
Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, vào hồi 19 giờ tối qua (14/9), vùng tâm bão số 3 đã đổ bộ sát đất liền khu vực các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở gần vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9. Sau khi vào đất liền, bão số 3 dần suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, có khoảng 200 du khách hiện vẫn mắc kẹt tại đảo Lý Sơn do ảnh hưởng của bão số 3, tàu khách phải ngừng hoạt động. Tại tỉnh Quảng Nam, trong ngày hôm qua, bà con nông dân phải dầm mưa gặt lúa, nhổ mì (sắn) chạy bão. Cũng từ chiều qua, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã phát lệnh “cấm biển”; Đà Nẵng đã cho phép học sinh toàn TP tạm nghỉ học từ ngày 14/9 để đảm bảo an toàn. Hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã cho hoãn ít nhất 27 chuyến bay tới khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã liên hệ, kêu gọi, hướng dẫn toàn bộ tàu thuyền còn hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.