KTĐT - "Bài toán đặt ra là công ty phải khéo léo sử dụng vốn để bù phần chủ đầu tư thanh toán chậm. Giá tăng cao, nhà đầu tư và nhà thầu phải ngồi bàn bạc lại với nhau vì cả hai đều đang ngồi chung một con thuyền".
Giá vật liệu xây dựng leo thang từng ngày khiến cả chủ thầu và những người xây nhà đơn lẻ lãnh đủ. Ngoài việc đối mặt với lãi suất tăng cao, doanh nghiệp còn cuống cuồng lo về thiếu vốn.
Nhiều công trình phải quây bạt dừng lại để chờ giá vật liệu ổn định trở lại. Ảnh: Xuân Ngọc |
Được bố mẹ cho đất mảnh đất rộng 50 m2, gia đình anh Phạm Hưng dành dụm, vay bạn bè mãi mới được gần 1 tỷ đồng xây nhà. Nhưng giá thi công, vật liệu và nội thất đều lên quá cao, sau khi cất móng xong công trình, anh đành phải xây 2 tầng thay vì 3 tầng như dự kiến ban đầu. Nếu xây tiếp thì bù thêm khoảng 150 triệu so với dự tính ban đầu nên anh đành bấm bụng "cắt ngọn".
Anh Nguyễn Văn Long (Long Biên, Hà Nội), một chủ thầu xây dựng cho hay, nhiều công trình của anh đang phải đắp chiều chờ giá vật liệu xây dựng ổn định trở lại. Công trình được ký kết từ trước Tết, trong hợp đồng chỉ cho phép bù giá 10% so với chi phí tại thời điểm ký kết. Song, thực tế hiện nay giá các loại vật liệu đều tăng cao từ 20-30%, nên rất khó khăn.
“Giá xi măng tăng 250.000 đồng mỗi tấn, thép lên tới 18 triệu đồng một tấn, nhân công cũng tăng thêm 100.000 đồng mỗi ngày, nếu y theo hợp đồng, mình sẽ lỗ 15-20% do với dự tính”, anh Long lo lắng.
Không đến nỗi hoang mang như anh Long, anh Phạm Thành Sơn (Minh Khai, Hà Nội) còn có thể điều đình giá vì chỉ chuyên nhận xây dựng những công trình xây dựng dân sinh rồi bán trao tay. Nhưng khi giá vật liệu tăng cao cũng có nghĩa là giá thi công nhảy vọt bắt buộc anh phải tăng giá bán thành phẩm. Theo anh Sơn, mỗi mét vuông thi công với giá 4,5 triệu thì nay đã nhảy lên hơn 5 triệu. Như vậy, một căn nhà cỡ trung bình 70 m2 thì giá bán cũng tăng 40-70 triệu đồng. “Không tăng giá bán thì không có lãi, nhưng tăng thì khan người mua hơn. Nhà xây xong, không bán được cũng chết”, anh Sơn nói.
Giá vật liệu xây dựng leo thang từng ngày khiến cả chủ thầu và những người xây nhà đơn lẻ lãnh đủ. Ảnh: Xuân Ngọc |
Ông Vũ Quý Hà, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho hay, nhiều công ty xây dựng đang khó khăn vì gạch lát, sắt thép đều tăng so với đầu năm. Ngoài việc đối mặt với lãi suất tăng cao, doanh nghiệp còn cuống cuồng lo về thiếu vốn. Ông Hà đưa ra ví dụ, nhiều chủ đầu tư chỉ thanh toán cho các nhà thầu 80% tiền công, còn lại 20% chủ đầu tư giữ lại. Doanh nghiệp xây dựng cơ bản sống bằng vốn vay, vốn pháp định chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, chỉ những doanh nghiệp có uy tín tốn được hưởng lãi suất khoảng 16,5-17%, nhưng hạn mức cho doanh nghiệp lại bị thu hẹp nên doanh nghiệp càng chật vật hơn.
"Bài toán đặt ra là công ty phải khéo léo sử dụng vốn để bù phần chủ đầu tư thanh toán chậm. Giá tăng cao, nhà đầu tư và nhà thầu phải ngồi bàn bạc lại với nhau vì cả hai đều đang ngồi chung một con thuyền", ông Hà nói.
Ông Nguyễn Mạnh Huy, trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho hay, hiện doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn kép cả ở đâu ra lẫn đầu vào. Kịch bản năm nay gần giống năm 2008, ngân hàng siết tín dụng ngay từ đầu năm và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Ông Huy đưa ra ví dụ, đơn cử, giá dầu hôm qua lên cao nhất từ tháng 9 năm 2008 đến nay, lên 108,83 đôla một thùng. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá dầu đã tăng đến 28%. một con số kỷ lục.
Ông Huy cho hay, hầu hết các máy móc trên công trường như máy xúc, máy ủi, máy trộn đều sử dụng dầu, giá dầu biến động càng làm các doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ông Huy cho biết, trong tình cảnh khó khăn chung, chỉ doanh nghiệp có uy tín và tiềm lực mạnh mới ít chịu tác động, còn các doanh nghiệp nhỏ thì quay như chong chóng. "Trong khi đầu vào tăng cao, đầu ra cũng đang "bí" vì thị trường chưa sôi động", ông Huy chia sẻ
Ông Trần Như Trung - Giám đốc Nghiệp vụ, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Công ty Savills Việt Nam nhận định, để giải quyết bài toàn khó khăn về vốn cũng như giá cả leo thang không đơn giản. Bởi khi dự án đã phê duyệt, công trình đã ký kết thì chủ đầu tư không thể dừng triển khai công trình. "Các chủ đầu tư cần phải tính toán, nghiên cứu cụ thể thị trường. Mức dự phòng trượt giá đưa ra phải được xem xét cân nhắc dựa trên việc nghiên cứu từng dự án cũng như khả năng đầu tư của từng doanh nghiệp", ông Trung khuyên.