Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của dân tộc Việt Nam

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ hội thảo khoa học: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo nhằm góp phần làm sáng rõ hơn những hoạt động và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Cống hiến trọn đời cho đất nước
Với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các bài tham luận đề cập tới nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở, tập trung tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hội thảo còn làm sáng rõ tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc của Nhân dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của Nhân dân các nước trên thế giới đối với Người.
Bên cạnh đó, nhiều bài tham luận khác còn tập trung phân tích, làm rõ sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956). Ảnh: Tư liệu
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, của những quyết định lịch sử trong các bước ngoặt của tiến trình giải phóng, phát triển của dân tộc Việt Nam và Nhân dân thế giới”.
Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ”.
Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử cũng nhìn nhận, vượt qua nhiều thử thách trên bước đường cách mạng, Bác Hồ vẫn kiên trì quan điểm và dần hoàn thiện tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân đem tất cả tinh thần và lực lượng, kiên quyết giành độc lập dân tộc.
Đưa Việt Nam ra thế giới
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử bên cạnh việc khẳng định Bác Hồ là biểu tượng về quyết tâm, giải phóng và phát triển dân tộc Việt Nam còn nhấn mạnh vai trò của Bác là người mở đường ngoại giao Việt Nam. Năm 1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chính phủ nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập các Hội hữu nghị Việt – Hoa, Việt – Mỹ, Việt – Xô và Ban Quốc tế Nhân dân, các Ủy ban Đoàn kết.
Ngày 3/10/1945, Việt Nam đã triển khai hoạt động ngoại giao Nhân dân đầu tiên bằng việc huy động 30 vạn người diễu hành qua Phủ toàn quyền Đông Dương với danh nghĩa chào mừng phái bộ Đồng Minh nhưng thực tế là một cuộc biểu dương sức mạnh, thể hiện sự tin tưởng của toàn dân và ủng hộ chính quyền cách mạng khiến các lực lượng phản động phải e ngại.
Tháng 2/1948, Nhà nước tổ chức một đoàn cán bộ gồm 10 người ra nước ngoài để tuyên truyền về cuộc kháng chiến, tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân thế giới. Đây là đoàn công tác ngoại giao Nhân dân đầu tiên của nước ta ra nước ngoài.
Thạc sĩ Phạm Hoàng Hiệp – cán bộ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, trước khi đoàn đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các thành viên trong đoàn: “Từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí luôn phải nhớ mình là đại diện cho thanh niên yêu nước, ra nước ngoài để giúp anh em công tác, đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và giúp đỡ họ, tuyên truyền cho thanh niên và cho dân tộc Việt Nam”.
Nhiều nhà khoa học đã khẳng định, trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngoại giao Nhân dân để làm cho thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng Nhà nước; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao Nhân dân để làm tăng thêm hiểu biết và lòng tin của bạn bè quốc tế với Việt Nam – một dân tộc thân thiện, có tinh thần tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn có thiện chí hòa bình, hợp tác hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới.