Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam: “Tôi phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình”

Hà My thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật đồng hành cùng đất nước 30 năm đổi mới” vừa khai mạc đã vướng lùm xùm khi vinh danh hai tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” và “Mặt trời của mẹ” – “con đẻ” của Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh. Nhiều người cho rằng, ông Khánh đã “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tuy nhiên, người đứng đầu Hội NSNA Việt Nam khẳng định: “Đây không phải một cuộc thi mà là cuộc tổng kết. Tôi hoàn toàn tự tin về giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm đoạt giải. Tôi đã chụp hàng vạn tác phẩm, nhưng đây là hai bức ảnh để đời của cá nhân”.

Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh.
Ông cảm thấy thế nào trước những lùm xùm xung quanh Triển lãm tổng kết Nhiếp ảnh Nghệ thuật “Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới (1986 - 2016)” vừa khai mạc cách đây vài ngày?
- Triển lãm lần này không phải là một cuộc thi ảnh mà là cuộc tổng kết, đánh giá lại các tác phẩm của các NSNA trong suốt 30 năm qua (từ năm 1986 đến nay). Đồng thời, tôn vinh cống hiến của các NSNA Việt Nam. Triển lãm chỉ dành cho hội viên Hội NSNA Việt Nam. Phát động 1 năm trước, Ban Tổ chức đã gửi thông báo, quy chế tổng kết đến hơn 1.000 hội viên, đồng thời thông tin công khai trên trang web của Hội. Mỗi tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm xuất sắc nhất của mình (gồm tác phẩm ảnh đơn, cụm tác phẩm hoặc công trình sách ảnh) để tham dự cuộc tổng kết này. Hội mong muốn tập hợp được một bộ ảnh chất lượng cao, có ý nghĩa như một báo cáo sinh động đầy thuyết phục với Đảng, Nhà nước về từng bước trưởng thành của NSNA mà hạt nhân là các hội viên, của Hội NSNA Việt Nam suốt 30 năm đổi mới. Cuối cùng, đã có hơn 400 tác giả gửi gần 1.800 tác phẩm tham gia... Từ những tác phẩm và công trình sách này, Hội đồng Thẩm định đã chọn ra 204 tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc vào vòng triển lãm. Trong đó, có 36 tác phẩm xuất sắc nhất được xét trao các giải A, B, C, bao gồm: 8 Giải A, 12 Giải B và 16 Giải C.
Với triển lãm này, các giải thưởng chỉ mang tính tôn vinh, và cũng không cố định bao nhiêu giải thưởng. Những tác phẩm xuất sắc, xứng đáng được hội đồng lựa chọn đã được xét trao các giải thưởng A, B, C. Các giải này không có tiền thưởng, không có giá trị về tài chính. Bên cạnh đó, nằm trong số 8 tác phẩm được giải A, tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” đã được khẳng định giá trị, khi được ngành du lịch sử dụng làm logo với slogan “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới” để quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và thế giới suốt từ năm 2001- 2004. Trong thời gian này, lần đầu tiên hình ảnh cô gái Việt đội nón lá cười rạng rỡ, hiện diện dày đặc khắp từ Bắc vào Nam, thậm chí ra ngoài quốc tế, đã tô đậm hình ảnh du lịch Việt Nam trong lòng du khách. Tác phẩm ra đời năm 1994, đúng trong giai đoạn 30 năm đổi mới, đã đi vào lòng công chúng, khách du lịch, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội nên đã được Hội đồng Thẩm định lựa chọn.
 Tác phẩm "Nụ cười Việt Nam".
Trước những ồn ào mấy ngày qua, tôi cảm thấy rất buồn. Không phải tôi buồn cho bản thân mình mà vì tôi cảm thấy niềm tin của hội viên đang bị đánh mất. Với tư cách là Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, tôi luôn ý thức phải có trách nhiệm trong công tác quản lý, định hướng hội viên. Đồng thời, với tư cách là một nghệ sĩ sáng tạo, tôi phải bảo vệ tác phẩm của mình. Đây là một cuộc tổng kết 30 năm. Tác phẩm của tôi hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia. Tôi cũng không ngại vì phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình, trên danh nghĩa là người sáng tạo ra chúng. Một tác phẩm nghệ thuật hay không thể để nằm yên một góc được, mà cần giới thiệu với công chúng, cần nhận được sự vinh danh.
Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng hai tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” và “Mặt trời của mẹ” đoạt giải là bởi ông vừa là Trưởng Ban Tổ chức, vừa là thành viên Hội đồng giám khảo. Tại sao ông lại phải  kiêm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như vậy?
- Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, đây không phải cuộc thi ảnh mà là cuộc tổng kết mang ý nghĩa chính trị, khẳng định những đóng góp của giới Nhiếp ảnh đối với đất nước. Với cương vị là lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam, tôi phải chịu trách nhiệm định hướng trong công tác thẩm định, lựa chọn ảnh triển lãm để phù hợp với ý nghĩa to lớn của cuộc triển lãm lần này. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng là một NSNA, có trách nhiệm phải gửi tác phẩm tham gia để cùng các nghệ sĩ làm nên thành công chung của cuộc triển lãm. Nếu không có nhiều nghệ sĩ tham gia thì sẽ không có nhiều tác phẩm tốt để lựa chọn. Rất tiếc vì còn nhiều nghệ sĩ, kể cả những nghệ sĩ tài năng chưa gửi tác phẩm tham dự cuộc tổng kết này.
Bên cạnh đó, Quy chế tổ chức triển lãm tổng kết cũng ghi rõ: Thành viên BTC, Hội đồng giám khảo được gửi tác phẩm tham gia xét giải thưởng và triển lãm ảnh tổng kết như những hội viên khác. Tôi là chủ tịch cho nên càng phải nêu gương, dẫn đầu. Ngay từ thời điểm phát động, BTC đã gửi đi 1000 thư chuyển phát nhanh đến từng hội viên. Ban Tổ chức đã cẩn thận làm chi tiết như vậy để không bỏ sót ai. Bởi, Hội đánh giá đây là một cuộc thi lớn và dự đoán sẽ có nhiều vấn đề nhạy cảm xảy ra. Thể lệ cuộc tổng kết khuyến khích những người có vị trí tham gia. Bởi họ là những người giỏi, có tài. Nếu không để họ tham gia thì sẽ rất thiệt thòi. Thể lệ này không thể nói là làm mất tính khách quan được, vì BTC và Hội đồng thẩm định đều có nhiều người.
Mặt khác, Ban Tổ chức huy động tất cả hội viên tham dự và Hội không thể nhờ người ngoài, không thể nhờ quốc tế chấm cho mình được, mà mình phải tự thẩm định, chọn lựa thế nào cho khách quan, mục đích làm sao chọn ra những tác phẩm tốt nhất, cả công trình sách, ảnh bộ. Hội đồng Thẩm định đã được thành lập gồm 7 NSNA ở các thế hệ. Thế hệ trước có NSNA Chu Chí Thành, NSNA Vũ Huyến, có cả Ban Chỉ đạo và trong Hội đồng Thẩm định có tới 3 người gửi tác phẩm tham dự đợt tổng kết này.
Có ý kiến cho rằng, ông tham dự triển lãm lần này rồi tự bỏ phiếu cho tác phẩm của mình để “dọn đường” cho việc gửi hồ sơ dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong thời gian tới. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nói như vậy là thiếu khách quan, bởi lẽ, tác phẩm của tôi được công chúng yêu mến, đón nhận nhiều năm qua đã là một phần thưởng lớn đối với một người nghệ sĩ. Với tôi như vậy là đủ. Tôi cũng chưa từng có ý định gửi tham gia dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước như suy nghĩ của một số người.
7 năm làm Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, tôi chưa gửi bất kỳ 1 ảnh nào dự thi. Đây là lần ngoại lệ vì triển lãm này không phải một cuộc thi mà là tổng kết của Hội NSNA Việt Nam. Có thể nói, việc đánh giá một tác phẩm ảnh nghệ thuật khó có thể định lượng một cách rạch ròi mà phần lớn là dựa trên những cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân. Chính bởi vậy, những ý kiến trái chiều hay việc tranh cãi xung quanh các tác phẩm ảnh nghệ thuật là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định một điều, Ban Tổ chức đã làm việc một cách công tâm, thẳng thắn, nỗ lực hết sức để làm nên một cuộc triển lãm tổng kết có ý nghĩa đối với xã hội, đất nước.
Giải thưởng không có giá trị cao về tiền mặt. Mỗi một tác phẩm đạt giải đều chỉ được tặng 1 triệu tiền mặt và kỷ niệm chương cùng giấy chứng nhận. Vì số tiền thưởng được công bố ngay từ đầu nên nhiều tác giả đã “xem nhẹ” và không tham gia. Còn ý nghĩa nhất quán mà BTC đưa ra thì đây vẫn là một cuộc tổng kết chặng đường 30 năm của Hội NSNA Việt Nam.
Ông có tự tin về giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm đoạt giải không? Bởi, nhiều người vẫn cho rằng, việc ông giành 2 giải thưởng tại cuộc tổng kết là nhờ tư cách Chủ tịch Hội và là thành viên Hội đồng thẩm định?
- Tôi hoàn toàn tự tin về giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm ấy. Trong cuộc đời và sự nghiệp nhiếp ảnh, tôi chụp hàng vạn tác phẩm, nhưng đây là hai bức ảnh để đời của tôi. Tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” là biểu tượng của ngành du lịch Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2014, được nhiều người biết đến.
Còn bức ảnh “Mặt trời của mẹ”, tôi cho rằng, nếu tham gia bất cứ một triển lãm quốc tế nào cũng cầm chắc giải vàng. Tác phẩm này cũng từng đạt giải đặc biệt của triển lãm nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia.
Ngay từ khi gửi tham gia, tôi đã xác định là chúng sẽ đoạt giải và đoạt giải cao. Khi biết tôi đoạt giải A, nhiều ý kiến bàn tán nhưng đến khi công bố giải A đối với tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” thì mọi người đều phải công nhận. Là người quản lý cao nhất của Hội, tôi rất sợ những lùm xùm tương tự như hiện nay. Còn nếu muốn phô bày tác phẩm của mình, tôi sẽ làm các dự án riêng. Việc tôi tham gia cuộc tổng kết hoàn toàn với mục đích là góp phần làm đa dạng các hoạt động của Hội. Tôi không có ý giật giải của các hội viên nhưng phải công bằng với mọi tác phẩm, và tài năng. Cuộc tổng kết này dành cho mọi lứa tuổi. Có những tác giả gần 100 tuổi, thuộc thế hệ NSNA gạo cội vẫn tham gia và đoạt giải.
Tại sao những lùm xùm cứ luôn thường trực tại các cuộc thi,  sân chơi nhiếp ảnh Việt Nam vậy, thưa ông?
- Chụp ảnh thì dễ mà có được tác phẩm để đời thì rất khó. Nhiếp ảnh gia Việt Nam hiện đang rất đông, rất nhiều người giỏi nhưng cũng có nhiều người cay cú với các giải thưởng. Tôi cho rằng, như thế là không chuyên nghiệp. Đã tham gia cuộc chơi thì phải tuân thủ luật. Tôi chỉ nói rằng, trách nhiệm của người quản lý là giữ uy tín cho hội. Trách nhiệm của người nghệ sĩ là giữ uy tín cho tác phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Hà My thực hiện