Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Tích hợp các đoàn kiểm tra, giám sát để cải cách hành chính

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Kiểm tra Chương trình 08 tại Huyện ủy Thanh Trì, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý cần cân nhắc, tích hợp các đoàn kiểm tra, giám sát các chương trình với nhau để mục đích cuối cùng là để nâng cao hiệu quả công tác, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Chiều 10/9, Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung làm trưởng đoàn làm việc với huyện ủy Thanh Trì về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020”.
 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. 
Rút ngắn thủ tục, giảm phiền hà
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết: Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, hướng mạnh về cơ sở; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, không gây xáo trộn công việc; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tiếp tục đường chuẩn hóa, có sự chuyển biến mạnh về tác phong làm việc.
Công tác cải cách hành chính của huyện luôn được quan tâm lãnh đạo, các chỉ tiêu cải cách hành chính của huyện cơ bản hoàn thành trên cả 6 nội dung với nhiều đổi mới, giao dịch giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân được thuận lợi, nhanh chóng, giảm phiền hà, nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn…
100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của cấp huyện, xã thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của cấp huyện, xã và trên cổng thông tin điện tử của huyện. 99% hồ sơ được giải quyết đúng thời hạn; nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian. Hiện nay, thủ tục hành chính mức độ 3 cấp huyện là 116; mức độ 4 cấp huyện là 12, đạt tỷ lệ 48,2%.
Bộ phận một cửa ở tại một số xã chưa đáp ứng được yêu cầu
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, công tác cải cách hành chính chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng của huyện Thanh Trì. Chỉ số cải cách hành chính theo điều tra xã hội học của huyện xếp thứ 29/30. Ngoài ra, qua kiểm tra cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa tại một số xã trên địa bàn huyện cho thấy, phòng làm việc chật hẹp trang thiết bị còn thiếu.
Cơ bản đồng tình với báo cáo của huyện Thanh Trì, tuy nhiên, một số thành viên trong đoàn kiểm tra cho rằng vẫn còn nhiều chỉ tiêu mà huyện đánh giá chưa sát với thực tế. Cụ thể, đối với chỉ tiêu đánh giá mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cán bộ, theo kết quả điều tra độc lập của Viện Nghiên cứu KT-XH mới đạt 79%, thấp hơn mức trung bình của TP. Trong khi huyện đánh giá 90% người dân hài lòng về sự phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Bên cạnh đó, bộ phận một cửa tương đối yếu, kỹ năng nghiệp vụ của bộ phận này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Không để có khiếu kiện sau sắp xếp bộ máy
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng cải cách hành chính là một trong những giải pháp tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác của hệ thống chính trị TP, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP đánh giá cáo huyện Thanh Trì đã triển khai Chương trình 08 của Thành ủy nghiêm túc, tổ chức quán triệt tới đảng bộ, cán bộ, công chức viên chức của các cấp trên địa bàn huyện, đồng thời đều báo cáo định kỳ đến Ban chỉ đạo Chương trình 08; triển khai có hiệu quả 6 nội dung chương trình của Thành ủy và có thanh kiểm tra.
“Một trong những việc lớn nhất mà huyện Thanh Trì đã làm được đó là đã tổ chức sắp xếp lại các phòng, ban và đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt không có khiếu kiện sau sắp xếp, đảm bảo thực hiện toàn diện toàn bộ nhiệm vụ. Đây là điểm nổi bật, căn cơ nhất trong cải cách hành chính” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Sau khi sắp xếp xong, Thanh Trì đã làm được 3 việc tạo “nền móng” để rút ngắn các thủ tục hành chính, đó là xây dựng toàn bộ nội dung quy chế quy trình từ các phòng ban đến các xã; xây dựng xong đề án vị trí việc làm để phân cấp được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính để cắt giảm.
Ngoài ra, huyện đã phát động phong trào công nghệ thông tin thông qua hệ thống giáo dục. Các cán bộ chủ chốt của huyện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của TP nghiêm túc.
Nêu việc trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, huyện ủy đã tổ chức hơn 60 đoàn kiểm tra đôn đốc công tác này, Chủ tịch UBND TP lưu ý cần cân nhắc, tích hợp các đoàn kiểm tra, giám sát các chương trình với nhau để mục đích cuối cùng là để nâng cao hiệu quả công tác, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Về cải cách tài chính, huyện đã làm tốt việc tăng mức khoán chi thường xuyên để tăng tự chủ, tăng tiết kiệm chi thường xuyên, tăng thu nhập cho cán bộ. Chủ tịch UBND TP đề nghị trong thời gian tới huyện cần phát huy điều này bởi chỉ khi nào một bộ máy đưa mức chi tiêu thường xuyên xuống 40% thì đó mới là bộ máy hoạt động hiệu quả.
“Những kết quả trên là một trong những yếu tố quan trọng để huyện bước đầu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trong hơn 3 năm vừa qua” – Chủ tịch UBND TP ghi nhận.  
Nêu xếp hạng cải cách hành chính của huyện còn thấp (xếp thứ 22/30), chưa được như mong muốn, Chủ tịch UBND TP đề nghị huyền cần tập trung một số nội dung để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Trong đó, đảm bảo bảo mật thông tin, an ninh an toàn thông tin người dùng; tập huấn cho các cán bộ về sử dụng kho dữ liệu, lịch công tác. “Cải cách từ những việc nhỏ thì mới cải cách được những việc lớn, bắt đầu từ khoa học sắp xếp lịch làm việc” – Chủ tịch UBND TP lưu ý.
Liên quan đến các tiêu chí thành quận, Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện Thanh Trì nên thí điểm phát động phong trào “mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp trồng một cây xanh, cây hoa”. Bên cạnh đó, huyện tính toán, cân đối nguồn lực để chuẩn bị các hồ sơ dự án, ưu tiên kết nối giao thông; xử lý nước thải; chuẩn bị các danh mục đầu tư công.