Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước: Cần khắc phục ngay hành chính hóa trong hoạt động công đoàn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh các cấp công đoàn cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở.

Sáng 24/9, Ủy viên Bộ Chính trị-Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư đã có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và 83 chủ tịch LĐLĐ các tỉnh, TP, công đoàn ngành T.Ư và tương đương, công đoàn các tổng công ty về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (giai đoạn 2013-2016).

Tích cực chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, đội ngũ cán bộ Công đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, hoạt động sáng tạo, ngày càng khẳng định vị thế của tổ chức công đoàn. Nhằm xây dựng quan hệ lao đông hài hòa, ổn đinh, tiến bộ trong DN, các cấp công đoàn vừa tập trung triển khai các quy định pháp luật, vừa có nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời giải quyết bức xúc trong công nhân lao động (CNLĐ). Trong đó, chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” có nhiều giải pháp hiệu quả, với 26.155 bản thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết đến nay, chiếm 75,72% số DN có tổ chức công đoàn và tăng 4,83% so với đầu nhiệm kỳ.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, “hiệu quả hoạt động công đoàn vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; đồng thời đang xuất hiện những thách thức mới đòi hỏi sự dũng cảm nhìn thẳng sự thật, đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động”, ông Bùi Văn Cường thẳng thắn nhận định.

Trong bối cảnh như vậy, đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ vừa thống nhất Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và dự kiến chủ đề hoạt động năm 2017 sẽ là “Năm vì lợi ích đoàn viên”. Trong đó, sẽ đàm phán với một số đối tác để xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên Công đoàn Việt Nam và đang xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN-KCX”.
“Đề án này hướng tới xây dựng nhiều tổ hợp văn hóa-thể thao, siêu thị công đoàn, nhà ở xã hội, nhà trẻ, trung tâm tư vấn pháp luật… tại các KCN hoặc công đoàn cấp huyện có động CNLĐ. Trước khó khăn về nhà ở của các CNLĐ, đề án sẽ triển khai xây dựng một số khu nhà cho công nhân thuê hoặc mua với giá ưu đãi chỉ 3-5 triệu đồng/m2”, ông Cường chia sẻ.

Khắc phục ngay tình trạng xơ cứng, hành chính hóa

Tại buổi làm việc, đại diện cho các cấp công đoàn Thủ đô, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiến nghị Chủ tịch nước và các bộ ngành T.Ư nghiên cứu có phương án tạo hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để tổ chức công đoàn vẫn có thể phát triển, thực hiện được quyền và lợi ích cho NLĐ khi Việt Nam hội nhập và thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là Hiệp định TPP.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu và cứ 3 năm tăng một lần để đến năm 2020, lương tối thiểu có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ. Đặc biệt, tại Hà Nội hiện có gần 200.000 DN đầu tư, nhiều lao động ngoại tỉnh đã công tác tới 7-8 năm, rất có nguyện vọng được nhập khẩu lâu dài vào Hà Nội, song Luật Cư trú đang quy định nếu không có chỗ ở ổn định, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, thì khó có thể nhập khẩu.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, TP.
“Điều này chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Rất mong Chủ tịch nước chỉ đạo rà soát lại Luật Cư trú để tạo điều kiện cho NLĐ”, bà Tuyến nhấn mạnh. Bên cạnh đó, bà Tuyến đề nghị Chủ tịch nước chỉ đạo các DN trên cả nước thực hiện tối đa những quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi NLĐ để tránh xảy ra mâu thuẫn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN, hướng tới giảm đình công, lãn công không cần thiết.

Đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những thành tích to lớn mà giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cả nước đạt được thời gian qua, tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng tặng quà cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và ghi vào sổ vàng lưu niệm. Đồng thời, Chủ tịch nước nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó yêu cầu các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, nhận thức về Đảng, xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao hiểu biết về tổ chức công đoàn, pháp luật về công đoàn cho công nhân, viên chức và NLĐ (CNVCLĐ).

Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh các cấp công đoàn cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở và lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ làm đối tượng vận động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. “Cần khắc phục ngay tình trạng xơ cứng, hành chính hóa trong hoạt động công đoàn, để công đoàn thực sự là niềm tin, chỗ dựa vững chắc, có sức hấp dẫn đối với CNVCLĐ và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang chứng kiến lễ ký kết chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động Việt Nam
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng yêu cầu các cấp công đoàn Việt Nam chú trọng chăm lo xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức công dân, yêu nước, yêu CNXH, vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và những khó khăn trước mắt ở trong nước. Cần phát động sâu rộng và tổ chức tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong CNLĐ gắn với mục tiêu “năng suất-chất lượng-hiệu quả”, “việc làm-đời sống-dân chủ và công bằng xã hội”…

(Box) Cùng trong buổi làm việc sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đại diện các bộ, ngành T.Ư chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và 9 đối tác về công tác chăm lo cho đoàn viên và NLĐ, gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Liên hiệp các hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP viễn thông FPT, Hiệp hội du lịch Công đoàn Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Với sự vào cuộc mạnh mẽ, chung tay góp sức của các đối tác, DN, tập đoàn kinh tế, khi những cam kết hôm nay được triển khai thực hiện sẽ góp phần giúp đoàn viên công đoàn và NLĐ giảm bớt khó khăn, cải thiện điều kiện sống, thực sự có “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” - là phương châm hành động mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực thực hiện. Thực hiện thỏa thuận này, Tổng LĐLĐ cam kết phát hành thẻ đoàn viên và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thẻ để các chính sách ưu đãi từ phía DN thực sự đến với đoàn viên và NLĐ; sẽ tư vấn, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp và tạo điều kiện để các đối tác tiếp cận, giới thiệu sản phẩm và triển khai thực hiện các nội dung đã thỏa thuận trên nguyên tắc các bên bình đảng, đảm bảo quyền lợi của đoàn viên và NLĐ.