Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước: Ngành tòa án phải giảm bớt án oan sai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã làm việc với lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao về đánh giá hoạt động của ngành theo tinh thần cải cách tư pháp năm 2013, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2014.

Báo cáo Chủ tịch nước về triển khai thực hiện công tác của ngành tòa án, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao nêu rõ năm 2013, trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn ra còn phức tạp; các tranh chấp có xu hướng gia tăng, về cơ bản ngành tòa án đã nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; đẩy mạnh việc tổ chức xét xử phiên toàn lưu động, không để xảy ra việc kết án oan, làm tốt công tác hòa giải...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.
Toàn ngành đã giải quyết được 364.819 vụ án các loại trong tổng số 395.415 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 92,3%. So với năm 2012, số vụ án đã thụ lý tăng 34.474 vụ.

Về công tác giám đốc kiểm tra và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao và các tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết được 7.438/11.756 đơn, tăng 5,3%.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Tòa án Nhân dân Tối cao đã và đang xây dựng, hoàn thiện 3 dự án Luật, 3 dự án pháp lệnh; đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án Luật, pháp lệnh do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo.

Trong công tác thi hành án hình sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 128.887 người bị kết án, đạt tỉ lệ 99%; ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 52.159 phạm nhân cải tạo tốt.

Tuy nhiên, tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa vẫn chưa giảm như mong muốn, đặc biệt trong giải quyết các vụ án hành chính. Số lượng đơn chưa được giải quyết vẫn còn nhiều. Tại các tòa án địa phương vẫn tồn tại tình trạng thiếu cán bộ.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án trong năm 2014 gồm triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp, các đại biểu đã kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan chức năng thể chế hóa các quy định của Hiến pháp sửa đổi; xác định lại biên chế của tòa án các cấp; nghiên cứu tạo cơ chế để ngành tòa án chủ động hơn trong quản lý, sử dụng ngân sách; tăng cường điều kiện làm việc cho các tòa án.

Trao đổi sâu hơn với lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, Chủ tịch nước đã đề nghị đại diện các cơ quan tố tụng tóm lược bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; tranh tụng tại phiên tòa; phát hiện hành vi phạm tội mới.

Chủ tịch nước cho rằng nhìn lại một năm qua, toàn ngành tòa án đã thực hiện được khối lượng công việc rất đáng ghi nhận. Về nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành cần chú trọng giữ gìn kỷ cương phép nước nghiêm minh; đồng thời rà soát việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Đồng tình với kiến nghị về nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, Chủ tịch nước gợi mở ngành tòa án cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách tư pháp, giảm bớt hiện tượng oan sai, án cải sửa, kết hợp tranh tụng và xét xử trong hoạt động tố tụng.

Nhắc đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư," Chủ tịch nước mong muốn mỗi cán bộ ngành tòa án không ngừng trau dồi bản lĩnh, nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức liêm chính.

Chủ tịch nước tin tưởng qua năm 2014, cùng với nhiều văn bản pháp lý, đặc biệt là Hiến pháp mới có hiệu lực, hoạt động của ngành tòa án tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị tạo được chuyển biến tích cực trên các mặt công tác.