Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Bỏ ngỏ trang mạng xã hội là không ổn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/2, tại Phiên họp thứ 45, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Vấn đề có đưa mạng xã hội, trang tin tổng hợp vào phạm vi điều chỉnh của Luật hay không là một nội dung còn những quan điểm khác nhau.

Mới quản lý được 40%

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật trình UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết: Quanh phạm vi điều chỉnh của Dự Luật, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của Dự Luật (quản lý các loại hình báo chí); còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý internet điều chỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. 	Ảnh:  TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng: Thông tin trên mạng ngày càng nhiều, nhu cầu tra cứu thông tin của người dân cũng rất lớn, nhưng Luật lại “bỏ trống trận địa”. “Nhất thiết luật phải kiểm soát chặt chẽ loại hình này, tăng cường quản lý từ bên trong, nói cách khác là tăng cường chức năng quản lý Nhà nước. Nếu Dự Luật không kiểm soát được cái này thì theo tôi mới chỉ quản lý được 40%, còn 60% vẫn bỏ ngỏ” - ông Kso Phước nhận xét.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Đưa trang tin điện tử tổng hợp ra ngoài phạm vi quản lý của Luật Báo chí, vậy nó có phải là sản phẩm báo chí không? Trang tin điện tử tổng hợp do cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cấp phép, lượng người truy cập rất nhiều, người dân vào đọc nhiều mà ta lại bỏ ra ngoài luật, không quản lý, vậy thì không biết quản lý thế nào?".
Trước vấn đề Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn khi quy định tại Điều 14 của Dự Luật về các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí không có tập đoàn kinh tế Nhà nước, nhưng trên thực tế, không ít các tập đoàn lớn đã có các loại hình báo chí như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có cả tạp chí cả báo, hay Vietnam Airline cổ phần hóa rồi, vẫn có ấn phẩm Heritage, thì sẽ xử lý thế nào? Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, theo lộ trình quy hoạch báo chí, từng bước tập đoàn, tổng công ty sẽ không có hoạt động báo in, báo điện tử như hiện nay, mỗi tỉnh thành sẽ chỉ có một tờ báo và nhiều ấn phẩm, các sở không có báo chí. Nhưng các tập đoàn, tổng công ty nếu cần thiết sẽ có tạp chí  trong ngành.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh đến quan điểm nhất thống là không tư nhân hóa báo chí và giải trình thêm: “Luật này điều chỉnh hoạt động báo chí nhà nước chứ không điều chỉnh truyền thông xã hội. Về truyền thông xã hội hiện nay, Nghị định 72 đang điều chỉnh, có quy định rất chặt chẽ. Nếu đưa trang tin điện tử, trang mạng, blog cá nhân vào đây thì vô hình chung chúng ta thừa nhận tất cả những loại hình này là báo chí. Quan điểm nhất quán của chúng ta cho đến nay là không chấp nhận báo chí tư nhân.

Cùng quanh nội dung này, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ đưa ra quan điểm: “Chúng ta khẳng định đây không phải là báo chí nhưng hoạt động lại có tính chất như báo chí. Chúng ta đều biết là mọi thông tin trên mạng bình đẳng như nhau, nếu tích cực thì rất tích cực, nhưng xấu thì cũng rất xấu. Chúng ta nên suy nghĩ hình thức nào đó để quy định cụ thể”.

Phát biểu lần thứ hai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng 2 Nghị định quản lý loại hình này đã lạc hậu với Hiến pháp và thực tiễn. Những vấn đề thực tiễn đặt ra luật hóa được nên đưa vào luật chứ không chờ. “Các thông tin bình luận trên mạng, kể cả báo chính thống có cái hay, cái dở cần chú ý. Anh nào đưa thông tin không đúng thì cắt không cho hoạt động trên mạng, ai đưa thông tin trái quan điểm của Đảng và Nhà nước thì cắt nếu máy chủ hoạt động trong nước chứ đừng có chờ” - ông nhấn mạnh.

Cấm gì phải đưa vào Luật

Không đồng tình với quan điểm bỏ ngỏ hoàn toàn mạng xã hội, trang thông tin tổng hợp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin là quyền dân chủ và chỉ bị hạn chế bằng luật, nên để Nghị định cấm không được. Thông tin xã hội trên mạng hiện rất phổ biến, có sức lan tỏa lớn, mọi người đều đọc rất nhiều. Nói đây không phải là báo chí nên không đưa vào luật là không được, vì lượng bạn đọc có khi còn lớn hơn báo chí, cũng không thể nói là có nghị định rồi thì không đưa vào luật, luật không quản lý nữa là không ổn. “Quản lý không có nghĩa là cấm đoán, quản lý mà để hiểu rằng siết lò xo lại không cho người ta làm cái gì là vi phạm Hiến pháp đấy. Nếu chúng ta đưa ra những điều cấm đúng, tôi tin chắc là Nhân dân ủng hộ, và cấm cái gì thì phải đưa vào luật” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và chỉ ra: “Các đồng chí phải cố gắng đào sâu suy nghĩ, tập trung giải quyết một số điểm mà đất nước đang vướng mắc, cơ hội của các đồng chí ở Luật này đây, các đồng chí bảo để thông tư, nghị định này kia thì không ai chịu đâu”.

Chốt lại phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh lại việc không cho phép hoạt động báo chí tư nhân nhưng phải quản lý các loại hình thông tin như báo chí. UBTV Quốc hội cho rằng đây là vấn đề mới, muốn ban soạn thảo nghiên cứu, nhất là những thông tin trên mạng trong phạm vi trong nước. "Những vấn đề mới cần phải đưa vào luật điều chỉnh mới thông qua được, nếu không thì lùi luật này lại” - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Tán thành điều chỉnh độ tuổi trẻ em
Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành việc đổi tên Luật hiện hành thành “Luật Trẻ em” và điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi. UBTV Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.