Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, để pháp luật thực sự trở thành chuẩn mực ứng xử trong các cơ quan nhà nước, xã hội và người dân.

Ngày 1/11, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, giai đoạn 2020 – 2025 được tổ chức tại Hà Nội, trong đó có 195 tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành. Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu chào cờ khai mạc Đại hội 

Với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”, Đại hội Thi đua ngành Tư pháp lần thứ V có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; tuyên dương thành tích của  tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đồng thời, đúc rút những bài học kinh nghiệm trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng, kinh nghiệm trong xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến ở từng cơ quan, đơn vị và trong toàn ngành Tư pháp; xác định phương hướng tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp trong giai đoạn 2021-2025…

5 năm qua, ngành Tư pháp đã tăng cường công tác tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội; tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Chính phủ, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện các Chương trình xây dựng pháp luật theo kế hoạch. Ngành Tư pháp đồng thời trực tiếp chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thẩm định hầu hết các văn bản luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội 

Bên cạnh công tác chuyên môn, ngành Tư pháp đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; công tác trợ giúp pháp lý; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp…, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những thành tích đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp. 75 năm qua, ngành Tư pháp đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kịp thời đề xuất, tham mưu các chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống  pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng nền tảng pháp luật dân chủ Nhân dân; dùng công cụ pháp luật để bảo vệ chính quyền, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Quang cảnh Đại hội 

Bước vào giai đoạn đổi mới, trước yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ, ngành Tư pháp đã không ngừng đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Nêu rõ đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, qua Đại hội này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân tích sâu sắc hơn nữa để tìm ra các giải pháp đưa công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành tiếp tục đạt kết quả cao hơn, để phong trào thi đua yêu nước thực sự là nguồn động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Quang cảnh Đại hội 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thời gian tới, từng cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong tổ chức, đổi mới nội dung các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới; tham mưu xây dựng, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Ngoài ra, tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật, để pháp luật thực sự trở thành chuẩn mực ứng xử trong các cơ quan nhà nước, xã hội và người dân…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần