Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: Bắt nhịp xu hướng thành phố thông minh

Bích Hời thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một người con của Hà Nội, sau bao năm vật lộn giữa thương trường, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga vẫn luôn đau đáu một tình yêu dành cho mảnh đất ngàn năm văn vật, có cơ hội là làm và đến nay ước nguyện của bà đã bước đầu thành hiện thực khi BRG bắt tay cùng Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) triển khai dự án xây dựng Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với doanh nhân Nguyễn Thị Nga xung quanh dự án này.

 
Thưa bà, xuất phát từ đâu mà Tập đoàn BRG đầu tư Dự án xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội?
- Đây là mục tiêu của BRG về thực hiện một tầm nhìn dài hạn. Bởi xây dựng thành phố thông minh là cách tối ưu nhất để xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhiều thế hệ người Việt sau này. Tại đây, năng lực của người Việt sẽ thực sự được kích hoạt và phát huy một cách tối đa; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng.
Là một người con của Hà Nội, tôi luôn dành tâm huyết của mình để xây dựng những gì tốt đẹp nhất cho Hà Nội, để Thủ đô của chúng ta không bị phá nát bởi những dự án nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, vì Hà Nội xứng đáng để ngẩng đầu kiêu hãnh là một TP hiện đại, sánh ngang thậm chí là vượt các TP phát triển khác. Trong các chuyến công tác nhiều nước hiện đại trên thế giới, tôi thường trăn trở làm thế nào để Hà Nội cũng có những công trình đẹp và hiện đại như vậy.
Kể từ khi có ý tưởng về quy hoạch Nhật Tân – Nội Bài đến khi nhấn nút khởi động Dự án, BRG đã có sự đồng thuận, hợp tác của chính quyền và các bên liên quan như thế nào?
- Năm 2009, khi đó TP Hà Nội đang làm quy hoạch phân khu 1/2.000, tôi đã báo cáo với các cơ quan cấp trên, bày tỏ mong muốn tự bỏ kinh phí làm chủ đầu tư lập quy hoạch dự án 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài và tháng 5/2009, BRG đã được tin tưởng giao phó trọng trách. Kể từ đó, tôi cùng Tập đoàn BRG và cộng sự đã bước vào hành trình thực hiện giấc mơ về một Hà Nội cho thế hệ tương lai với vô vàn thách thức.
Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD, Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội có quy mô gần 272ha, được chia làm 5 giai đoạn kết nối chặt chẽ và đồng bộ. Dự án sẽ áp dụng 6 tính năng thông minh bao gồm: Năng lượng thông minh, Giao thông thông minh, Quản trị thông minh, Học tập thông minh, Kinh tế thông minh và Đời sống thông minh. Dự kiến liên doanh BRG – Sumitomo sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về ứng dụng các công nghệ thông minh, như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain...
Khi nhà thầu quy hoạch quốc tế yêu cầu phải có khảo sát bình độ 50cm cho toàn bộ 2.080ha để làm rõ các công trình như nhà, chùa, đường, trường học…, là dân tài chính, tôi tính thấy rõ kinh phí. Nhưng còn thách thức về thời gian, tính khả thi thì không thể biết trước. Khó, nhưng không thể không làm. BRG đã tìm ra giải pháp là hợp tác với các đơn vị quân đội, dù phải bỏ ra không ít chi phí. Đến khi họ “trả bài”, mọi người kinh ngạc khi tài liệu chất đầy mấy bàn làm việc.
Trải qua 25 cuộc họp với các sở, ban, ngành của Hà Nội và Chính phủ, có những cuộc trao đổi, thảo luận thâu đêm với các nhà tư vấn quốc tế; nhiều khi ý tưởng của nhà quy hoạch kiến trúc nước ngoài và cơ quan quản lý không thống nhất, có công trình phải nâng lên đặt xuống nhiều lần, tôi cảm thấy mệt mỏi và cô đơn. Lúc đó tưởng chừng không có ai hiểu và đồng hành cùng, trong khi còn bộn bề bao công việc khác của Tập đoàn.
Tuy nhiên, vì tình yêu với Hà Nội, để người dân có môi trường sống mới chất lượng, tôi và BRG đã đi đến những chặng đường cuối cùng. Tháng 12/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, bản đồ án quy hoạch được TP Hà Nội chính thức thông qua.
Để Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội được thực hiện tốt và đúng ý đồ, chúng tôi đã lựa chọn đối tác đủ tâm, đủ tầm và cùng chung tầm nhìn phát triển bền vững. Đó là Tập đoàn Sumitomo, một tập đoàn đa ngành nằm trong Top 3 của Nhật Bản với năng lực và tầm nhìn vượt trội và đặc biệt là dành rất nhiều tình yêu cho sự phát triển của Việt Nam. Khi triển khai dự án này, chúng tôi nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp chính quyền TP Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản luôn ủng hộ dự án như một hình mẫu điển hình của sự hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội sẽ được hình thành trên cơ sở hạ tầng ra sao, thưa bà?
- Thành phố thông minh tọa lạc ở vị trí vô cùng đắc địa, kết nối trực tiếp trung tâm TP Hà Nội và Sân bay quốc tế Nội Bài. Dự án được đánh giá là một bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển thành phố thông minh sẽ hỗ trợ Hà Nội giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, năng lượng và những bất cập trong quản lý và quy hoạch đô thị, kích hoạt những động lực tăng trưởng mới cho đất nước, sớm hiện thực hóa nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0 mà Bộ Chính trị vừa ban hành, trong đó định hướng đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và miền Trung.
Dự án này sẽ đem lại cho người dân Thủ đô Hà Nội những thay đổi nào về diện mạo và tiện ích, thưa bà?
- Nơi đây là cửa ngõ của Việt Nam với thế giới, sẽ là những hình ảnh và ấn tượng đầu tiên về đất nước, con người Việt Nam hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Tại đây, thiên nhiên, văn hóa truyền thống của vùng đất Đông Anh như di tích Thành Cổ Loa hay nghệ thuật múa rối nước, nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam… sẽ hài hòa với các tính năng hiện đại, các sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao.
Một trong những điểm mà tôi đặc biệt yêu thích là sự xuất hiện của hồ Ngọc trai tại trung tâm thành phố thông minh, một phiên bản của hồ Hoàn Kiếm bất diệt; tòa tháp tài chính cao 108 tầng với cảm hứng thiết kế từ đóa hoa sen có vai trò là trung tâm tài chính của Hà Nội và cả khu vực Đông Nam Á; có một công viên hội tụ những đặc trưng văn hóa nổi bật nhất của các nước ASEAN và một quảng trường lớn với vai trò vừa là điểm nhấn kiến trúc, vừa là không gian mở, nơi cộng đồng có thể cùng với nhau giải trí sau những giờ làm việc và là nơi tổ chức những sự kiện trọng đại của Hà Nội cũng như cả nước…
Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần