Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long: “Hãy cứ tin tôi”

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa “rừng” khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao, các hàng rào thương mại thế giới tiếp tục được dựng lên... cách mà ông “Vua thép” Hòa Phát Trần Đình Long đối diện là làm hết sức để nâng cao hiệu quả hoạt động DN.

Thêm những “hàng rào” khủng
Tại cuộc gặp mặt với các nhà đầu tư hồi tháng 7/2019, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long thừa nhận: “Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Cũng theo ông Long, 6 tháng cuối năm, có thể vẫn khó khăn do thị trường bất động sản đang chậm lại. Tuy nhiên, nếu không có gì biến động lớn, Hòa Phát vẫn tự tin sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
 Doanh nhân, CT HĐQT tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh:hoaphat.com.vn
Nhìn rõ khó khăn và vạch ra những kế hoạch sản xuất, kinh doanh kỹ lưỡng, hiệu quả là cách người đứng đầu Hòa Phát đang chèo lái con thuyền lớn của ngành thép Việt Nam.
Bằng chứng là tháng 8/2019, Hòa Phát lọt top 5 công ty niêm yết dẫn đầu về lợi nhuận của Forbes. Theo đánh giá của Forbes, năm 2018, Hòa Phát tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất.
Trong bối cảnh ngành thép không thuận lợi, nhiều công ty cùng ngành suy giảm mạnh hiệu quả hoạt động, doanh thu của công ty thép số 1 Việt Nam tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng. Mỗi ngày Hòa Phát thu về 153 tỷ đồng doanh thu, tạo ra 23,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của Hòa Phát xếp thứ 5 sau Vietcombank, Vinhomes, PV GAS và Vinamilk. Xét riêng nhóm các công ty tư nhân niêm yết, lợi nhuận của Hòa Phát đứng thứ hai, chỉ sau Vinhomes.
Thách thức bài toán cổ tức, cổ phiếu
Là một DN luôn có quỹ tiền mặt dồi dào với lợi nhuận và doanh thu “khủng” nhưng 2 năm gần đây, Hòa Phát cũng không khỏi đau đầu với bài toán huy động vốn trên sàn chứng khoán. Để dồn vốn cho đại dự án Hòa Phát Dung Quất, ngoài nguồn vốn tự có, vốn vay ngân hàng, Hòa Phát cũng khiến nhiều nhà đầu tư không hài lòng vì 2 năm qua không chia cổ tức tiền mặt.
Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán một thời gian dài, cổ phiếu HPG vốn nổi tiếng là hợp “khẩu vị” với các nhà đầu tư giá trị, thích bền vững, lâu dài cũng có những giai đoạn lên xuống đầy thăng trầm.
Theo dự tính của “vua thép” Trần Đình Long, đến cuối năm 2019, HPG sẽ có chuỗi giá trị toàn diện với lợi thế kinh tế theo quy mô lớn nhất ở sản phẩm thép xây dựng và ống thép sau khi nâng cấp lò cao số 2 và đưa khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động, công suất thép xây dựng sẽ tăng lên 4.360.000 tấn/năm, tăng trưởng 47,3%.
Bên cạnh công suất ống thép là 800.000 tấn/năm, tôn mạ là 400.000 tấn/năm và HRC là 2 triệu tấn/năm. Với dự án Khu liên hợp Dung Quất, HPG được hưởng lợi về thuế suất rất nhiều với mức thuế suất 0% trong 4 năm đầu kể từ năm 2019, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% trong 2 năm cuối.
Trả lời câu hỏi về việc nếu giá cổ phiếu HPG xuống thấp thì DN có biện pháp gì hỗ trợ cổ đông (ví dụ mua cổ phiếu về làm cổ phiếu quỹ), người đứng đầu Hòa Phát cho rằng, cách hỗ trợ tốt nhất là làm hết sức có thể để nâng cao hiệu quả hoạt động DN.
"Mọi người hãy cứ tin tôi. HPG vẫn là một cổ phiếu tốt, tôi là cổ đông lớn nhất và lợi ích cổ đông là trên hết. Không có lý do gì để xếp lợi ích của chính mình phía sau, tôi còn dự định mua vào tiếp cổ phiếu HPG"- ông Long cam kết.

"Mỗi ngày Hòa Phát thu về 153 tỷ đồng doanh thu, tạo ra 23,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế." - Theo Tạp chí Forbes