Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Hà Nội sẽ áp dụng chính sách tốt nhất cho người dân bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thành phố luôn đồng cảm với người dân sống xung quanh bãi rác, vì họ gặp thiệt thòi rất lớn trong cuộc sống. Do vậy, những chính sách tốt nhất đã được thành phố áp dụng để giúp người dân. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật cần phải có thời gian để xử lý.

Ngày 17/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thuộc Đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa XV.
 Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm. 
Mở đầu buổi tiếp xúc, các đại biểu đã thông báo tới các cử tri báo cáo tóm tắt kết quả của kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV. Trong đó, HĐND TP đã xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo, 13 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất rất cao, trong đó có 12 nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội. Nội dung các nghị quyết được HĐND và UBND TP chuẩn bị công phu, đúng luật và đã được thông qua với tỷ lệ rất cao, đây là căn cứ, là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Kết quả khống chế đại dịch Covid-19 cho thấy sự ưu việt của chế độ 
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàn Kiếm bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao kết quả kỳ họp HĐND TP vừa qua. Đa số các cử tri đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP trong thời gian qua, cũng như các giải pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống Nhân dân. Đồng thời, các cử tri quận Hoàn Kiếm tiếp tục kiến nghị một số vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh.
Cử tri Đỗ Duy Tân (phường Phan Chu Trinh) đề xuất, TP có các giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế du lịch, thu hút du lịch nội địa. Cùng với đó, tạo cơ chế thuận lợi cho ngành du lịch mở rộng liên kết, kích thích sự phát triển của thị trường du lịch Thủ đô. Quan tâm xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, khai thác du lịch nhân văn là lợi thế của du lịch Thủ đô. Ngoài ra, việc lát đá ven Hồ Gươm cần tăng cường giám sát cộng đồng để thi công đúng chất lượng, đảm bảo tiến độ công trình. 
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm. 
Trả lời các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói về kết quả trong phòng chống Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế sau đại dịch. “Chúng ta đã rất thành công trong phòng Covid-19. Kết quả này cũng khẳng định sự ưu việt của chế độ, của Đảng trong công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Đến nay, TP đang tập trung vào các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, TP đã đạt được thành tựu nhất định, TP Hà Nội phấn đầu tăng trưởng cao hơn cả nước, đồng thời phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2020.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, hơn 2 tháng vừa qua, khi dịch Covid-19 chấm dứt, TP đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, du lịch trên địa bàn bắt đầu khôi phục trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú chỉ đạt được tỷ lệ lấp đầy vào khoảng 60%, trong đó các khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ảnh lớn nhất. Khách du lịch trong nước về Hà Nội trong dịp này cũng thấp hơn cùng kỳ. Đây là vấn đề TP cũng rất trăn trở, làm sao khuyến kích, kích cầu được người dân trong nước đi du lịch nhiều hơn.
Cấp bách xử lý rác thải ùn tắc trong nội thành 
Trao đổi về vấn đề “nóng” hiện nay, cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) nêu thực trạng, trong những ngày qua rác thải ùn tắc, tràn ngập tại một số quận ở khu vực nội thành. Cử tri cho rằng đây không phải là lần đầu mà đã là lần thứ 6, nguyên nhân do người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) tiếp tục chặn đường không cho xe vận chuyển rác vào khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn. Cử tri nêu câu hỏi, trước mắt thành phố có giải pháp gì để giải phóng rác thải đã ùn ứ nhiều ngày qua, đồng thời về lâu dài thành phố có những giải pháp quy hoạch như thế nào để đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải cho 8 triệu dân TP....
 Cử tri Đào Tuyết Thanh nêu tình trạng ùn tắc rác thải trong nội đô những ngày vừa qua. 
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tối ngày 14/7 một số người dân có chặn không cho xe chở rác vào khu xử lý bác Nam Sơn làm xuất hiện vấn đề ún ứ rác trong nội thành.  TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng và URENCO thu gom, chuyển rác tạm thời tới bãi rác Cầu Diễn và Xuân Sơn. Trong hôm nay sẽ cơ bản dọn sạch rác trong nội thành.
Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND TP nêu rõ đây là vấn đề đã được đặt ra trong cả nhiệm kỳ qua. TP cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy xử lý rác. Năm 2017, TP đã khánh thành nhà máy xử lý rác thải độc hại ở khu Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) theo công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/1 ngày. Ở khu Nam Sơn có 3 nhà đầu tư đăng ký dự án nhà máy đốt rác phát điện. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên tiến độ có bị ảnh hưởng, tuy nhiên trong năm nay một dự án sẽ hoàn thành với công suất 4.000 tấn/1 ngày đêm với công nghệ của Bỉ. Đến quý I năm 2022, TP cũng khánh thành một nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/1 ngày đêm. Lúc đó cơ bản rác thải của TP sẽ được xử lý đốt để phát điện.
Chủ tịch UBND TP cho biết, đã trực tiếp đi khảo sát các nhà máy xử lý rác hiện đại ở Đức, Pháp và Nhật. Chủ tịch UBND TP nêu việc trong các quận ở thành phố Tokyo (Nhật), nhà máy xử lý rác được đặt ở ngay sát các quận. Rác được đốt với công nghệ không mùi, không màu, không ảnh hưởng đến người dân. Như Hà Nội hiện nay đặt bãi rác thải hiện là quá xa, với phí vận chuyển cao. “Đây là xu hướng cần tính toán. Cần thiết có thể mời người dân đi thăm, tận mắt xem công nghệ của các nhà máy này để hiểu rõ” - Chủ tịch UBND TP nói.
Với các nhà đầu tư tham gia vào việc xây dựng nhà máy xử lý rác, Chủ tịch UBND TP nêu rõ Hà Nội đặt ra những tiêu chí cụ thể là: Nhà đầu tư phải có năng lực, đảm bảo tài chính; phải có hệ thống lọc hiện đại, không thải khí độc ra môi trường.
Về việc người dân chặn không cho xe rác vào khu xử lý rác Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP cho biết đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn gặp gỡ, đối thoại với người dân. Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cũng trực tiếp xuống lắng nghe, giải thích với Nhân dân trên tinh thần kiên trì đối thoại, giải thích để người dân hiểu.
Chủ tịch UBND TP nêu rõ, TP đã chuẩn bị xong nhà tái định cư để di dân khỏi vùng ảnh hưởng của khu xử lý rác Nam Sơn. Vướng mắc căn cơ nhất hiện nay là việc hạn định nguồn gốc đất để đền bù. Có những giai đoạn thực hiện công tác để phục vụ đền bù thực hiện chưa đúng dẫn đến người dân hiểu lầm bức xúc.
Về việc nước rỉ rác bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân, Chủ tịch UBND TP thông tin, với công nghệ chôn lấp rác cũ, 1 mét khối rác, sẽ phát sinh 1,2 mét khối nước rỉ rác. Hiện có 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác này. Hàng năm TP tiến hành đặt hàng. Tuy nhiên theo quy định hiện nay công tác này phải đưa ra đấu thầu vị vậy thời gian qua bị chậm nên còn 150.000 mét khối nước rỉ rác và trong nắng nóng đã bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân. TP đang đề xuất Chính phủ có cơ chế phù hợp khắc phục ngay hạn chế này.
“Cơ chế chính sách nào tốt nhất cho người dân, TP sẽ áp dụng. TP luôn đồng cảm với người dân sống xung quanh bãi rác, vì họ gặp thiệt thòi rất lớn trong cuộc sống. Do vậy, những chính sách tốt nhất đã được TP áp dụng để giúp người dân, tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật cần phải có thời gian để xử lý” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Cử tri mong mỏi về Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng 
Liên quan đến quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, cử tri Nguyễn Bính (phường Phúc Tân) nêu quy hoạch phân khu sông Hồng đã được nêu trong bị bỏ lỡ mấy chục năm. Cử tri tin tưởng thời gian tới sẽ được triển khai quyết liệt để mong ước đó của cử tri được trở thành hiện thực. 
Cử tri Nguyễn Quyết Thắng (phường Hàng Mã) đề nghị xem xét lại vấn đề giãn dân phố cổ vì đã có chủ trương từ lâu nhưng chưa thấy hiệu quả. Cử tri Thắng cho rằng, cần có những yếu tố tiên quyết để dân phố cổ chủ động thực hiện như về chất lượng nhà ở, quy hoạch trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa liên quan đến khu giãn dân.
 Cử tri Nguyễn Bính nêu vấn đề về quy hoạch 2 bên sông Hồng. 
Liên quan đến việc giãn dân phố cổ, Chủ tịch UBND TP cho rằng, việc xây nhà giãn dân phố cố được đặt ra từ năm 2007, năm 2012-2013 đã được TP phê duyệt, quỹ đất sạch đã có nhưng còn khó khăn do nguồn vốn… UBND TP chỉ đạo quận Hoàn Kiếm sớm hoàn thiện quy hoạch 1/500 và khẩn trương triển khai dự án quan trọng này.
Đối với Quy hoạch hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện có khoảng 900 nghìn dân đang cư trú ở khu vực bờ sông hồng với tổng chiều dài trên 4km. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên ở đây, hạ tầng điện đường trường trạm không thể đầu tư, người dân không được xây dựng sửa chữa. Để đảm bảo đời sống người dân, TP đã quyết định hộ dân nào có “Sổ đỏ” hợp pháp sẽ vẫn được cấp phép xây dựng.
Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề thực tế, thực lực tài chính của TP trong 5 năm tới còn khó khăn, không thể đảm bảo đầu tư làm đê hai bên bờ sông cũng như di dời 900.000 dân ở khu vực này. Vì vậy TP tính toán xây dựng quy hoạch làm đề kết hợp với đường, đảm bảo chống lũ cấp 3, độ bền từ 500-700 năm.
Sau khi có đê, người dân sẽ được xây dựng. Đê kết hợp với đường sẽ kết nối, giảm ùn tắc giao thông, kết nối với các bãi nổi có thể là các khu du lịch sinh thái. Như vậy vừa đảm bảo đời sống dân cư hiện hữu vừa tạo ra cảnh quan, sinh thái, du lịch đường thủy… "TP sẽ sớm công bố xin ý kiến Nhân dân về dự án này. TP cũng đang tính toán phương án đền bù bằng tiền để người dân có thể tự mua nhà tái định cư trên tinh thần tái định cư phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng chỗ ở cũ” - Chủ tịch UBND TP nói.
Về việc cải tạo kè hồ Hoàn Kiếm vừa mới triển khai, Chủ tịch UBND TP cho biết dự án được tính toán kỹ về mỹ thuật, áp dụng kỹ thuật tiên tiến mới nhất; đá lát phải đảm bảo chất lượng… Dự án được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, người dân Thủ đô và cả nước.
“Chúng tôi đồng tình với ý kiến của cử tri và mong muốn người dân tham gia giám sát dự án quan trọng này. Các bác có thể góp ý trực tiếp với công nhân, giám sát và quận có thể xem xét bố trí cán bộ ứng trực ở ngay Hồ Gươm để tiếp nhận ý kiến người dân” - Chủ tịch UBND TP nói.