Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ khi hợp nhất, công tác đào tạo nghề luôn được Đảng bộ và chính quyền thành phố quan tâm, nhưng hiện nay người lao động qua đào tạo mới đáp ứng được 30% nhu cầu sử dụng.

Vì thế trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đổi mới công tác quản lý, đồng thời chú trọng vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Hội nghị đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa diễn ra chiều qua, 1/12.

 Theo Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Đình Đức, những năm gần đây, công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng dạy nghề đã được thành phố vô cùng quan tâm. Tính đến tháng 10/2011, toàn thành phố có 261 cơ sở dạy nghề, trong đó có 20 trường cao đẳng nghề, 46 trường trung cấp nghề, 56 trung tâm dạy nghề… Ngoài ra, thành phố cũng tập trung đầu tư xây dựng 4 trường cao đẳng và trung cấp nghề công nghệ cao. Nhờ đó, số lao động được dạy nghề ngày một tăng lên, từ 117.000 lao động năm 2008, đến năm 2010 tăng lên 140.000 lao động; bên cạnh đó còn dạy nghề, truyền nghề cho gần 30.000 lao động nông thôn và người nghèo, người tàn tật.

Tuy vậy, vấn đề đào tạo nghề hiện vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế. Theo ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội, tâm lý của nhiều thanh niên hiện nay là thích học đại học hơn học nghề nên nhiều trường dạy nghề đã không thu hút được đủ số lượng học sinh. Bên cạnh đó, việc đăng ký các nghề để học dường như vẫn theo phong trào, trong đó lĩnh vực nghề nông nghiệp như trồng trọt, thú y, thủy lợi… hầu như không có người học. Tương tự ý kiến trên, ông Cao Đình Đức, Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Việt Úc cho biết, hiện nay công tác hướng nghiệp đối với lao động học nghề cũng còn hạn chế. Phần lớn người học nghề không nắm được thị trường lao động, không biết nhu cầu của người sử dụng dẫn đến không định hướng được tương lai của mình… Một hạn chế khác là trường nghề chưa tạo được thị trường do chưa phân tích thị trường lao động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, Hà Nội cần định hướng nghề nghiệp và tổ chức đào tạo thật bài bản. Để làm được điều đó thì cần phải đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo, coi nguồn lực là quan trọng. Ông Phi cũng mong Hà Nội sớm đánh giá chương trình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng để điều hành quản lý, điều chỉnh sự hợp tác giữa vai trò quản lý nhà nước với trường học và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới công tác quản lý, Hà Nội sẽ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, mục tiêu mỗi năm đào tạo 140 - 150.000 lao động nông thôn. Đặc biệt, từ năm 2012 sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng, nghiệm thu theo sản phẩm đặt hàng. Hà Nội sẽ thí điểm 2 mô hình, trong đó Sở LĐTB & XH đào tạo 3.600 lao động. Các doanh nghiệp ký kết đào tạo sẽ đảm bảo cho 4.000 lao động. Thành phố cũng sẽ có quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề. Đối với các doanh nghiệp và các trường dạy nghề, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các đơn vị này nên xây dựng kế hoạch đối với các nghề mới.