Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất xi măng

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xu thế phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) xanh, ngành xi măng cũng buộc phải có sự đầu tư đổi mới về công nghệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam TS Thái Duy Sâm.

 TS Thái Duy Sâm
Ông đánh giá thế nào về ngành sản xuất VLXD, cụ thể là xi măng trong thời gian gần đây?
- Sự phát triển của ngành sản xuất VLXD nói chung và ngành sản xuất xi măng nói riêng đã đạt được những dấu mốc quan trọng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu về VLXD đảm bảo số lượng, chủng loại và chất lượng cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Nhìn vào con số so sánh hiện nay so với thời điểm năm 1987, ngành sản xuất xi măng đã tăng gấp trên 30 lần về công suất và 50 lần về sản lượng. Đặc biệt, hiện đã xóa bỏ hoàn toàn các dây chuyền sản xuất clanke bằng công nghệ lò đứng, lò quay phương pháp ướt; 100% clanke được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến theo phương pháp khô. Tiêu hao nhiệt giảm từ 1.600 kcl/kg clanke xuống 730kcal/kg clanke; tiêu hao điện từ 150kwh/tấn xuống 95 kwh/tấn; nồng độ bụi trong khí thải từ 100mg/Nm³ xuống 50mg/Nm³, có nhà máy đạt dưới 30mg/Nm³; đã sản xuất được xi măng PC50, PC60 (TCVN 2682:2009) và PCB 40 (TCVN 6260:2009) hàm lượng clanke từ 60 - 65%.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành sản xuất xi măng vẫn còn nhiều hạn chế. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Đúng là vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất xi măng. Hiện nay, số lượng dây chuyền quy mô nhỏ, tự động hóa chưa cao, vẫn còn chiếm đến 33% trong tổng số các dây chuyền mặc dù tổng công suất thiết kế chỉ là 11%. Việc tận dụng nhiệt khí thải các lò nung clanke trong sản xuất xi măng để phát điện triển khai rất chậm, chưa được quan tâm đúng mức. Chế độ giám sát môi trường, kể cả trang bị và nối mạng về các Trung tâm Kiểm soát môi trường của địa phương chưa thực hiện triệt để.
Để khắc phục những hạn chế đó cần phải làm gì, thưa ông?
- Quan trọng nhất là phải có sự đầu tư đổi mới về công nghệ sản xuất, tiếp tục xóa bỏ các dây chuyền sản xuất và cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất công suất từ 5.000 tấn/ngày trở lên và đầu tư đồng thời hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường. Cùng đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để nắm bắt, làm chủ công nghệ sản xuất; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường trong nước và thế giới để giúp nhà đầu tư hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.
Xin cảm ơn ông! 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần