Kinhtedothi - Tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội sáng 24/10, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát, tăng các hoạt động dạy học đối với các kỹ năng còn yếu, khó như môn đọc hiểu, nghe hiểu cho trẻ. Bởi vì, nếu thiếu khả năng đọc và hiểu cơ bản, trẻ có nhiều nguy cơ chán học, dẫn đến bỏ học...
2 kỹ năng khó
Khả năng đọc và hiểu những văn bản đơn giản là một trong những kỹ năng cơ bản nhất để một trẻ có thể học được ở trường. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Dự án Đánh giá kỹ năng đọc của học sinh (HS) đầu cấp tiểu học và đã đưa vào thí điểm đánh giá kỹ năng đọc và hiểu cho 600 HS lớp 1 và lớp 3 được lưa chọn từ 40 trường tiểu học thuộc 4 tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Gia Lai và Vĩnh Long.
Chương trình SEQAP hướng đến nghiên cứu thực trạng kỹ năng đọc ban đầu của HS lớp 1 và lớp 3; Những nhân tố tác động đến sự phát triển kỹ năng đọc ban đầu của trẻ; Khác biệt giữa HS được học SEQAP và HS không học chương trình này… Bà Vũ Thị Thanh Hương - Trưởng nhóm Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học cho biết: Kết quả cho thấy, 2 kỹ năng khó đối với HS là kiến thức về tên chữ cái và đọc tiếng tự tạo, chứng tỏ HS còn chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm và kỹ năng giải mã tiếng/từ. Điều đáng mừng là kết quả đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng đoạn văn của HS cao hơn so với chuẩn kỹ năng của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, qua khảo sát, vấn đề đọc hiểu, nghe hiểu và chính tả vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt với HS lớp 1.
Nhiều đại biểu kiến nghị, để học tốt môn Tiếng Việt, nên tiếp tục khảo sát, nếu có hiệu quả tiếp tục nhân rộng mô hình. Ngoài ra, đại diện của tỉnh Vĩnh Long đề xuất: "Hiện, thư viện ở các trường chưa được quan tâm. Bộ GD&ĐT nên hỗ trợ cho các trường hệ thống thư viện, các em được đọc nhiều, sẽ hỗ trợ cho môn tiếng Việt tốt hơn".
Tốc độ đọc trơn của học sinh cao hơn chuẩn
PGS.TS Nguyễn Trí - Chuyên gia tư vấn SEQAP nhận định: Qua khảo sát cho thấy tốc độ đọc trơn của HS cao hơn chuẩn, nhưng ở khía cạnh khác đọc tiếng quen thuộc, đọc âm chữ cái, tên chữ cái, đến nay, chúng ta chưa có chuẩn, nên chưa thể so sánh. Vì vậy, ông Trí kiến nghị: "Bộ GD&ĐT nên xây dựng thêm kỹ năng chuẩn, ngoài chuẩn về tốc độ đọc trơn. Thứ nhất, nên có điều chỉnh về chuẩn tốc độ đọc. Thứ hai, đưa ra hướng dẫn, phương pháp dạy thế nào cho hiệu quả. Đích cuối cùng là đọc hiểu, đọc một văn bản mà hiểu đúng được văn bản là điều lý tưởng".
Đồng quan điểm, bà Hương cho rằng, với chương trình Tiếng Việt lớp 1 và lớp 3, nên rà soát các hoạt động dạy học đối với phân môn đọc theo hướng chú ý nhiều hơn đến các kỹ năng còn yếu và khó như: Đọc hiểu, nghe hiểu, đọc tiếng tự tạo và kiến thức về tên chữ cái. "Đọc hiểu và nghe hiểu là 2 kỹ năng quan trọng nhất, là đích cuối cùng của hoạt động đọc. Cần xem xét điều chỉnh chuẩn đối với kỹ năng đọc trơn cho HS tiểu học vì chuẩn hiện hành khá thấp so với năng lực của đa số HS. Đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động dạy học ở điểm lẻ, vì kết quả HS các trường điểm lẻ chưa theo kịp kết quả đọc của HS các trường chính, đặc biệt ở nơi có nhiều HS dân tộc thiểu số và trình độ tiếng Việt kém…" - bà Hương đề xuất.
Một tiết học tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Tùng
|
"Năng lực đọc hiểu của HS thấp, đây là điều băn khoăn mà nhà quản lý cũng như đội ngũ xây dựng đề án phải suy nghĩ. Khi thiết kế sách giáo khoa, chương trình phải chú ý hơn. Việc quan trọng là tiếp thu được công nghệ, để tiếp sau sẽ có những cách làm phù hợp hơn". Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển |