Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chú trọng phát triển năng lực người học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới căn bản, toàn diện có trọng tâm là đổi mới giáo dục phổ thông. Khâu đột phá là đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử… Đó là những vấn đề được các chuyên gia giáo dục bàn bạc, tranh luận tại Hội thảo về "Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015" diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 26 và 27/10.

Rất nhiều người làm giáo dục cho rằng, một trong những định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ngoại ngữ, năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. "Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Đặc biệt, phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đổi mới phương pháp dạy và học cần thực hiện phương châm "giảng ít, học nhiều" - ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ THPT (Bộ GD&ĐT) đề xuất.

Ông Thống cũng cho rằng, nội dung các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 nên được xây dựng một cách tổng thể, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và liên thông giữa các cấp học, môn học… Đồng quan điểm, ông Đào Thái Lai - Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, cho rằng, cần trang bị cho HS những năng lực, đặc biệt là năng lực chuyên biệt phù hợp với những đặc điểm cá nhân, định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội tối đa cho HS lựa chọn các chuyên đề, tiếp cận với nghề đào tạo đang hướng tới của mình.  GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phải làm rõ nội hàm hoạt động giáo dục là gì, đặc điểm của hoạt động giáo dục ở từng cấp học. Việc phân đoạn ở các bậc học phải xem lại. Nên bỏ chuyên đề tự chọn ở lớp 1, 2, thống nhất tên gọi môn giáo dục thể chất… "Theo tôi, nên đưa giáo dục đạo đức vào tìm hiểu xã hội, tự nhiên, để làm mềm đi, đạt được mục tiêu giảm môn học. Ngoài ra, giáo dục đạo đức cần được dạy càng sớm càng tốt, thay vì bây giờ lớp 1, 2 không có gì, lớp 3 lại xuất hiện môn đạo đức. Môn đạo đức cần được tích hợp" - bà Lộc nói. Đối với hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, ông Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: "Tinh thần là lựa chọn những gì cần thiết nhất cho phát triển năng lực HS để đưa vào, quan trọng nhất là đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá. Chúng ta đang tìm cách giảm gánh nặng cho HS trong học tập. Về việc tích hợp, chúng ta tạm gọi là giai đoạn quá độ. Cách xây dựng kết hợp này cũng hạn chế được tính hàn lâm của môn học". 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, phân tích: "Chúng ta đã thống nhất cao chương trình sắp tới có thay đổi quan trọng là chuyển từ quan tâm trang bị kiến thức sang chú trọng phát triển năng lực người học, có thể gọi là chuyển từ hư học sang thực học, thực việc. Chúng ta làm mạnh, nhưng không cầu toàn, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng hiện vẫn chưa hiệu quả, một trong những lý do là chưa đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học với kiểm tra, đánh giá, rồi chọn môn nào sẽ là môn bắt buộc ở THPT. 

Nhóm soạn thảo đề ra Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ là môn công cụ - là đúng, nhưng qua hội thảo thấy rằng cần có những môn học hình thành giá trị nhân cách con người Việt Nam, điều này cũng đúng… Tới đây, trong chương trình thiết kế, những gì gọi là hoạt động giáo dục cả trong lớp và ngoài lớp học, tiếp tục phải suy nghĩ để làm cho hiệu quả".