Bài phát biểu của cựu Tổng thống Bill Clinton tại đại hội này đã giúp ông Obama xoay chuyển được tình thế hiện đang rất bất lợi. Tuy nhiên, ông Obama chưa hẳn đã chắc thắng và lại càng không có chuyện ứng cử viên của Đảng Cộng hoà Mitt Romney chắc chắn sẽ thua.
Lý do đơn giản ở chỗ tình trạng kinh tế và công ăn việc làm thường quyết định mọi cuộc bầu cử ở Mỹ. Chính sách đối ngoại rất hiếm khi đóng vai trò nổi bật trong bầu cử ở Mỹ. Về đối ngoại và an ninh, không có ứng viên Tổng thống nào có thể vượt lên trên ông Obama. Nhưng mọi số liệu thống kê về kinh tế và thất nghiệp lại rất bất lợi cho ông Obama. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có vị đương kim Tổng thống nào ra tái ứng cử mà đắc cử khi tỷ lệ thất nghiệp trong ngày bầu cử trên 8% - mà hiện tại tỷ lệ này ở Mỹ là 8,3%. Tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp liên quan hữu cơ với nhau. Một khi kinh tế tăng trưởng trì trệ thì không thể giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Thời gian gần hai tháng từ nay cho tới ngày bầu cử Tổng thống ở Mỹ (6/11) không đủ để ông Obama cải thiện đáng kể tình trạng nói trên trong khi lại đủ để ông Romney vận động và tranh thủ được những cử tri còn phân vân hoặc thất vọng về ông Obama. Cho nên mới nói tuy ông Obama đã vượt lên dẫn đầu trong các kết quả thăm dò dư luận, nhưng thật sự chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Tất cả phụ thuộc vào ai trong số hai người ấy có đủ tiền và nhiều tiền hơn để chi cho chặng nước rút của cuộc vận động tranh cử và phụ thuộc vào ba cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp trên truyền hình giữa họ trong tháng 10 tới.
Nhưng dù ai trong số họ thắng cử thì cũng đều phải đối mặt với một thực trạng là nội bộ xã hội Mỹ hiện đang rất phân rẽ và sẽ ngày càng còn phân rẽ hơn. Chiều hướng thiên hữu của Đảng Cộng hoà và sự bất hợp tác của Đảng này với Đảng Dân chủ sẽ còn tiếp tục gia tăng. Thực trạng và viễn cảnh ấy sẽ làm mọi dự định cải cách chính sách dù cần thiết và cấp bách đến đâu đối với nước Mỹ cũng vẫn đều rất khó khả thi, nếu như không nói là bất khả thi.