KTĐT - 7 năm đã qua kể từ khi Nghị định về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được CP ban hành, thế nhưng, điều hết sức kinh ngạc là chưa từng có một nông dân nào bị phạt tiền vì đã thẳng tay phun các loại thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. Có chăng chỉ là những biên bản cảnh cáo…
Cố tình vi phạm…
Đã nhiều năm qua, người tiêu dùng luôn trong tình trạng “vừa ăn vừa run” vì nỗi lo rau không an toàn. Rau không thể không ăn, nhưng rau có sạch không, có an toàn không thì chỉ có người trồng rau mới biết. Tại các chợ và các siêu thị, liên tục các đợt kiểm tra. Đột xuất có, định kỳ có, và lần nào, người ta cũng phát hiện ra các hành vi vi phạm của người trồng rau.
Nào là dùng thuốc không đúng trong danh mục cho phép, nào là không tuân thủ độ an toàn về thời gian cách ly, nào là dùng nước ô nhiễm tưới rau… Cứ xem các phóng sự trên truyền hình, sẽ thấy mọi sự lo lắng không phải là không có căn cứ. Hơn thế nữa, lời “thú nhận” của chính những người trồng rau, rằng họ luôn có một mảng rau riêng để ăn, còn mảng để bán thì… phun thoải mái cũng cho thấy, những người trồng rau đều biết rằng, những sản phẩm mà họ dùng để phun, tưới đều có hại.
nhưng không phạt được…
“Người nông dân họ nghèo, lại sản xuất manh mún. Vì vậy, muốn phạt được họ đâu có dễ” - ông Trịnh Công Toản, Chánh Thanh tra Cục Bảo vệ Thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nói. Theo ông Toản, Nghị định 26/2003/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Chính phủ ban hành đến nay đã 7 năm. Mức phạt cũng đã được quy định rất rõ ràng.
Theo đó, “người sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại không đúng với quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng” cho một hành vi. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo từ các địa phương trong các năm qua cho thấy, chưa từng có trường hợp nào bị phạt hành chính. Có chăng, chỉ là những biên bản cảnh cáo.
Lý giải cho việc “bất lực” này, ông Toản rằng, cách thức sản xuất rau của nông dân Việt Nam thường manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy rất khó phát hiện. Hơn nữa, nếu có bị bắt quả tang, họ cũng có hàng trăm lý do để không chịu nộp phạt. Nào là nghèo không có tiền, nào là không biết đến qui định… “thậm chí có người khi bị bắt nộp phạt còn bù lu bù loa ra khóc, nói rằng: Đấy, cả nhà tôi chỉ có mỗi ruộng rau đấy. Các ông có muốn phạt thì… cắt lấy rau mà mang đi” - vậy là đành chịu. Chỉ có thể nhắc nhở, hoặc cùng lắm là lập biên bản cảnh cáo thôi.
Chủ yếu vẫn là tuyên truyền
Theo ông Toản, để giảm dần và đi tới loại bỏ hẳn những hành vi vi phạm về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần phải có lộ trình. Trong thời gian trước mắt, cơ bản vẫn là tuyên truyền ý thức cho người dân. Năm 2009, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Chi cục Bảo vệ thực vật ở các tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, thanh tra kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đã có tác dụng tích cực đến bà con nông dân.
Một bằng chứng hết sức thuyết phục mà ông Toản cho biết, đó là kết quả rất khả quan sau các đợt kiểm tra. “Hàng tháng chúng tôi đều lấy mẫu rau quả (nhập ngoại và sản xuất trong nước) đang bày bán trên thị trường để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mẫu rau có mức dư lượng thuốc vượt giới hạn cho phép năm nay còn trên 6%, giảm hơn năm trước (năm 2008 là 11%).” - ông Toản nói.
Theo ông Toản, cái khó khăn nhất vẫn là ý thức. Đối với người nông dân, không phạt được đã đành, ngay cả các cấp chính quyền ở địa phương cũng không phải đã “thông”. “Vừa rồi, Cục Bảo vệ Thực vật có thành lập nhiều đoàn do chính Lãnh đạo Cục phụ trách, xuống tận xã kiểm tra. Khi hỏi người ta có biết quy định này, pháp lệnh kia không? thì đến lãnh đạo địa phương còn trả lời... không biết”.
Thanh minh cho cái “không biết” này, nhiều lãnh đạo xã cho rằng, nghị định, văn bản có thể đã đến xã rồi, nhưng do làm việc theo nhiệm kỳ, ông trước nắm được thì nghỉ, ông sau mới được bầu lên, chả biết đằng nào mà lần, thế là có cũng như không. Chính vì vậy, họ không biết trách nhiệm của họ đến đâu, quản lý thế nào... - ông Toản cho biết.
Địa phương cũng phải vào cuộc “quyết liệt”
“Tất nhiên là không thể phụ thuộc hoàn toàn vào tuyên truyền. Muốn quản lý tốt vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương” - ông Toản nhấn mạnh. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản số 2388 ngày 11/8/2009 về tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên rau để “kéo” chính quyền các địa phương vào công tác này.
“Chúng tôi đã soạn giáo trình phổ biến kiến thức pháp luật (nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của địa phương...), rồi yêu cầu các chi cục bảo vệ thực vật triển khai tập huấn cho cấp địa phương, giúp họ hiểu rõ công việc mình phải làm vì an toàn của mọi người. Ngoài ra, chúng tôi còn soạn 2 bản cam kết: Thứ nhất, các cửa hàng buôn bán thuốc phải tuân thủ quy định; Thứ 2, đối với các vùng sản xuất, chính quyền địa phương, chi cục bảo vệ thực vật, các hộ trồng rau ký bản cam kết phải sử dụng thuốc trên rau như thế nào, bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau ...? Sau khi chúng tôi thực hiện tập huấn, phổ biến thì việc bảo vệ này đã tốt hơn lên”. Ông Toản nói.
Để đảm bảo an toàn về rau củ quả sạch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có chỉ thị phân công trách nhiệm đến các cơ quan thuộc Bộ, tỉnh. |