Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa có chương trình chuẩn, khó kịp tiến độ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù sức khỏe không được tốt, song PGS Văn Như Cương vẫn dành nhiều sự quan tâm cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

Chưa có chương trình chuẩn, khó kịp tiến độ - Ảnh 1
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, ông cho rằng, trong Đề án này, Bộ GD&ĐT tính toán chi phí các khoản mục chưa cặn kẽ, chi tiết, căn cơ trên tinh thần tiết kiệm. Con số gần 800 tỷ đồng làm chương trình và SGK vẫn nhiều.

20 tỷ đồng cho một bộ SGK

Thưa PGS, nhiều ý kiến cho rằng từ 34.000 tỷ đồng này giảm xuống còn gần 800 tỷ đồng là quá ít. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Là người trong cuộc, đã từng có 2 - 3 đợt tham gia làm SGK, tôi thấy 800 tỷ đồng vẫn nhiều. Sở dĩ tôi nói vậy bởi, hệ thống giáo dục phổ thông vẫn duy trì 12 năm (5 năm tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT). Ta lấy số tiết học/tuần của 3 cấp học nhân với số tuần sẽ tính ra được khoảng 10.000 tiết học phải viết SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Giả sử trả tiền cho nhóm tác giả làm một bộ SGK (khi có chương trình) với mức phí cao nhất là 1 triệu đồng/tiết (khoảng 2 - 3 trang SGK) x 10.000 tiết = 10 tỷ đồng. Để in thành SGK hoàn chỉnh, sẽ phải có công đoạn biên tập, chỉnh sửa, thẩm định, bồi dưỡng giáo viên, thì mức chi phí nhiều lắm cũng chỉ 10 tỷ đồng nữa. Như thế, để có một bộ SGK hoàn chỉnh chỉ hết khoảng 20 tỷ đồng.
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đọc sách tại thư viện trường.     Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Phạm Hùng
Thưa PGS, nhiều chuyên gia cho rằng, để có sự chủ động, Bộ GD&ĐT nên biên soạn một bộ SGK. Như thế có khách quan trong khi Bộ là người thẩm định SGK? 

- Tôi đồng ý Bộ GD&ĐT viết một bộ SGK để có sự chủ động. Nếu các tổ chức, cá nhân đăng ký, nhưng đến hạn chưa xong thì với vai trò quản lý, Bộ sẽ “chết” luôn, cho nên Bộ làm một bộ SGK cho chắc chắn và có thẩm định. Tôi nghĩ, các tác giả khác có quyền tham gia viết, nhưng không phải thực hiện ngay lập tức mà sau 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm khi chúng ta thực hiện giảng dạy chương trình mới. Khi bộ SGK mới của Bộ được sử dụng trong nhà trường, tôi thấy SGK Toán cấp 2 hay SGK môn Lịch sử rất dở, bèn xung phong viết cuốn khác. Khi cuốn sách tôi viết được Bộ thẩm định, công nhận và sẽ mua bản thảo SGK ấy của tôi. Còn các tổ chức, cá nhân “đấu” với bộ SGK của Bộ thì tôi tin chắc không ai thắng nổi, bởi cách làm này giống như trứng chọi đá.

Không kịp tiến độ

Làm một bộ SGK hết 20 tỷ đồng, vậy làm chương trình hết khoảng bao nhiêu, theo tính toán của PGS?

- Làm chương trình là đề ra các mục, nhưng có nhiều người tham gia thảo luận và phối hợp rất kỹ giữa các môn học, nên hết khoảng 50 tỷ đồng. Cộng với tiền làm SGK và các khoản bồi dưỡng trong 3 giai đoạn chỉ hết 100 tỷ đồng. Tôi thấy nực cười khi Bộ đưa ra những công đoạn như ghi hình bài giảng để hướng dẫn cho giáo viên với số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Trước đây, khi là tác giả cuốn sách mới, Bộ triệu tập mỗi sở GD&ĐT 1 - 2 giáo viên cốt cán về Hà Nội để tôi giới thiệu về những điểm mới, giảng dạy như thế nào. Bộ GD&ĐT chỉ phải chi phí cho người giảng bài. Tôi nghĩ, tới đây, trong các buổi giảng bài như thế, chúng ta ghi hình và phát lại cho các lớp tập huấn ở cấp dưới. Như thế tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ việc này. Rồi, tập huấn và bồi dưỡng giáo viên là công việc hàng năm, có ngân sách riêng, nhưng Bộ lại thống kê vào đề án làm gì? Cũng như đồ dùng thiết bị giảng dạy, năm nào Bộ cũng có một khoản cho mục này. Nếu có chi thêm thì không hết nhiều tiền. Cho nên tôi cho rằng, Bộ chưa tính toán chi li, cụ thể nên con số gần 800 tỷ đồng Bộ đưa ra là quá nhiều!

Theo cách làm SGK mà PGS đưa ra sẽ mất thời gian bao lâu?

- Viết một bộ SGK hoàn chỉnh từ lớp 1 đến 12 mất khoảng nửa năm, nhưng với điều kiện viết tại trại viết SGK. Ở đó, các tác giả viết SGK từng môn học có liên quan với nhau dễ dàng trao đổi để có thống nhất về nội dung. Cộng với việc thẩm định, thời gian cũng chỉ kéo dài hơn một chút. Nhưng trước khi viết SGK, thì chương trình phải được công bố để lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhà khoa học các hội ngành nghề…

Liệu năm 2018 các em học sinh có SGK mới để học không, thưa PGS? 

- Tôi rất suốt ruột việc này, sợ không kịp theo tiến độ. Vì bao lần Bộ trình ra Quốc hội, T.Ư lại bị hoãn vì Đề án chưa đầy đủ, cần phải bổ sung. Đến giờ chưa có chương trình chuẩn, tôi chắc chắn sẽ không kịp tiến độ!

Xin cảm ơn PGS!