Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa có cơ sở phục dựng điện Kính Thiên

Bài, ảnh: Loan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Qua 13 năm tiến hành khảo cổ, chúng ta đã có nhiều tư liệu làm cơ sở cho Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Tuy nhiên, nếu có thể chỉ là phục dựng được không gian, chứ khó lòng phục dựng được điện Kính Thiên” – GS Phan Huy Lê cho biết trong cuộc báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016 diễn ra sáng 28/12.
Đoan Môn hiện tại thuộc thời nào?
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, năm 2016, Viện Khảo cổ học tập trung khai quật 1.000m2 tại phía Bắc di tích Đoan Môn. Nếu kết quả khai quật trước đó nhận định cổng Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long là thuộc thời Lê Sơ; thì những dấu tích dày đặc của thời Lê Trung Hưng như sân Đan Trì lát gạch vồ màu xám, kết cấu gạch lát sân, hàng bó gạch vồ, hàng gạch vuông… tìm được dưới chân Đoan Môn trong đợt khai quật năm 2016 đã kết luận: Đoan Môn thuộc thời Lê Trung Hưng. “Như vậy, từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng vị trí của Đoan Môn có sự thay đổi. Vị trí của Đoan Môn của thời Lê sơ sẽ ở gần đó” – GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Các đại biểu nghe giới thiệu về kết quả khảo sát hố khai quật khảo cổ học năm 2016 tại phía Bắc cửa Đoan Môn.

Kết quả khảo cổ tại Hoàng thành năm 2016 đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng và Lê Sơ, tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long thời Lý và xác định được các dấu tích ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Kết quả lớn nhất của lần thăm dò khai quật năm 2016 là tìm được phạm vi tối thiểu của thành Đại La. Toàn bộ kết quả khai quật qua các năm đều cho thấy dấu tích của thành Đại La kể cả trên diện tích khai quật 1.000m2 ở khu vực phía Bắc Đoan Môn vừa qua. Từ 18 Hoàng Diệu hay khu vực vườn Hồng, các nhà khảo cổ học đều đã chứng tỏ được dấu tích của thành Đại La. Cho đến nay, qua các kết quả khảo cổ, di tích, di vật, bước đầu các nhà khoa học đã hình dung được phạm vi thành Đại La tồn tại như thế nào trên mảnh đất Thăng Long xưa. Các phát hiện mới đó vừa khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian sắp tới. Qua đó có thể thấy, dấu tích Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm, nhưng vẫn còn nguyên bí ẩn dưới lòng đất đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kiên trì, tổng thể và lâu dài.
Sốt ruột vì khảo cổ kéo dài
“Chúng ta đã khảo cổ 13 năm, với diện tích di tích hàng ngàn hecta, nếu mỗi năm chỉ đào 1.000m2 như hiện nay thì cần 20 năm nữa mới khảo cổ xong” – PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết. Dù rất mong sớm sáng tỏ văn hóa lịch sử của di sản Hoàng thành Thăng Long, nhưng PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng sức người có hạn. Hơn nữa, tại Hoàng thành Thăng Long dấu tích dày đặc, nếu không khai quật tỉ mỉ sẽ phá di tích.
Bên cạnh mục đích làm sáng tỏ sự ngự trị liên tục của các triều đại Việt suốt 13 thế kỷ tại Hoàng thành Thăng Long, thì việc khảo cổ học hàng năm còn có mục tiêu riêng là củng cố tư liệu, cơ sở khoa học cho Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên. “Chỉ có thể là phục dựng không gian điện Kính Thiên vì với điều kiện hiện nay rất khó phục dựng điện Kính Thiên” – GS Phan Huy Lê cho biết. Trước mắt, theo dự kiến, nhân dịp Tết Nguyên đán 2017, Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa đón người dân vào thăm các hố khai quật khảo cổ để hình dung phần nào về giá trị kiến trúc di sản nơi đây.

“Thành Đại La có cấu trúc rõ nét qua tài liệu, nhưng vị trí ở đâu thì qua cuộc khai quật lần này chúng ta mới thấy rõ nét”.

GS Phan Huy Lê.


 “Tốc độ khai quật khảo cổ phải tăng lên. 10 năm mới có cuộc khai quật lớn rồi lại suy đoán thì cản trở rất nhiều cho việc sáng tỏ lịch sử. Chưa kể đội ngũ các nhà khoa học tâm huyết với di sản Hoàng thành Thăng Long đã bước vào tuổi ngoài 70 thậm chí xấp xỉ 90 cả rồi”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn

Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo