Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa đồng thuận thưởng tiền cho gia đình sinh con gái

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh đề xuất thưởng tiền cho gia đình sinh con gái của Bộ Y tế, nhiều chuyên gia xã hội học lo ngại, việc này không những không làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng đang diễn ra mà còn “khoét sâu” thêm cái nhìn thiếu thiện cảm của dư luận với gia đình sinh con một bề là gái.

Sẽ giảm mất cân bằng giới tính?

Theo dự thảo lần thứ 3 của Luật Dân số, sẽ thưởng tiền cho những gia đình sinh con một bề là gái và cha mẹ của gia đình sinh con một bề toàn gái sẽ được hỗ trợ một phần kinh tế khi về già. Ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế cho rằng, việc thưởng tiền cho gia đình sinh con một bề toàn gái nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và giúp người già được chăm sóc tốt hơn. “Thực trạng mất cân bằng giới tính của Việt Nam chậm hơn so với các quốc gia trên thế giới khoảng 20 năm, nhưng tốc độ già hóa dân số lại rất nhanh. Tổng kê cho thấy, hiện có trên 70% người già sống dựa vào con cái và không có chế độ nào để bảo hiểm tuổi già như lương hưu, trợ cấp xã hội. Do vậy, nếu đề xuất này được thực hiện, người dân sẽ có tâm lý an tâm khi tuổi già, hạn chế được việc lựa chọn giới tính thai nhi” - ông Nhạc nói.

 
Tuyên truyền, tư vấn về kế hoạch hóa tại Hà Nội.
Tuyên truyền, tư vấn về kế hoạch hóa tại Hà Nội.
Khi được hỏi, tại sao Bộ Y tế tiếp tục đề xuất thưởng tiền cho gia đình sinh con một bề toàn gái, mặc dù trước đó đề xuất này đã bị bác bỏ, ông Nhạc lý giải: Đây là quan điểm của Tổng cục DS - KHHGĐ trên cơ sở khảo sát nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều nghi ngại

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn ở mức cao; năm 2014 là 112,4 bé trai/100 bé gái; năm 2013 là 112,8 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, theo điều tra xã hội học, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra cả ở các gia đình mà cả người bố và người mẹ có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế khá giả. Vậy khi đó, biện pháp thưởng tiền có đủ sức thuyết phục họ không lựa chọn giới tính thai nhi?

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, họ sẽ cảm thấy có chút áp lực, chạnh lòng khi nhận tiền thưởng cho việc sinh toàn con gái. Khi ấy, người dân ngầm hiểu đó là sự bù đắp cho sự “thua thiệt” của gia đình sinh con một bề toàn gái. Chưa kể, tại Điều 6 và 7 Luật Bình đẳng giới năm 2011, quy định nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Như vậy, người có con một bề, dù gái hay trai cũng đều phải được bình đẳng như nhau.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cử - Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em không đồng tình với đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề toàn gái. Theo ông Cử, thưởng tiền, dù nhiều hay ít, cũng không thể ngăn được suy nghĩ trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Do vậy, ông Cử kiến nghị Bộ Y tế nên cẩn trọng, đồng thời nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc. “Trung Quốc đã thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, cấp 600 Nhân dân tệ/tháng cho cha mẹ lúc về già khi có hai con gái nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng không ngừng” - ông Cử nói.

Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty An Việt Sơn cho rằng: Nếu thưởng tiền để hướng tới mục tiêu giảm chênh lệch giới tính thì chắc chắn khó đạt được. Bởi, nhiều địa phương vẫn còn những quan niệm, hủ tục rất nặng nề về việc phải có con trai để nối dõi tông đường. Ông Chất cho biết, một số nơi còn có tập quán nếu không sinh được con trai sẽ bị loại khỏi dòng họ. Thậm chí có nơi, đến lúc chết họ sẽ không được thờ cúng trong nhà chỉ vì không có con trai. Thực tế, trong quá trình tư vấn tâm lý cho khách hàng, ông Chất đã gặp không ít phụ nữ lo lắng đến việc nếu không sinh được con trai, chồng và gia đình chồng bắt ly dị hoặc đi tìm con trai bên ngoài.

Trước những băn khoăn, trăn trở và nghi ngại của nhiều chuyên gia xã hội học, dư luận cho rằng, Bộ Y tế cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này để có những đề xuất hợp lý, vừa hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh song cũng hợp với lòng dân, tránh khoét sâu thêm ấn tượng của xã hội với gia đình sinh con một bề toàn gái.