Chưa bao giờ người yêu văn học nghệ thuật (VHNT) Việt hết buồn mỗi kỳ trao giải. Thước đo quá cao Mặc dù đứng trong danh sách ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận: “Việc đưa điều kiện trúng giải từ 75% lên 90% trong đợt xét giải lần này là thước đo quá cao, gần như tuyệt đối. Nên ở mức 75% như trước”. Có lẽ vì vậy nên trong danh sách đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với những tên tuổi từng được Giải thưởng Nhà nước như nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Trần Bạch Đằng, nhà thơ Viễn Phương… đều không đạt. Hoặc những tác giả tiêu biểu cả nước đều biết đến bởi sự nghiệp văn học của họ đã được khẳng định từ thời còn chiến tranh, lại tiếp tục vắng bóng ở vòng cuối cùng xét tặng Giải thưởng Nhà nước như Trang Thế Hy, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Hoài Vũ, Trần Kim Trắc, Trần Thanh Giao, Thanh Giang, Bàng Sĩ Nguyên, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Văn Lê…
Điều đáng tiếc nhất trong lần trượt giải thưởng Nhà nước lần này là nhà văn quân đội Văn Lê - tác giả của gần 30 tác phẩm, một trong những cây bút sung mãn nhất còn lại của thế hệ chống Mỹ. Theo thông tin bên ngoài, lý do “trượt” giải thưởng của nhà văn Văn Lê cũng vì không nhận đủ 100% phiếu bầu. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: Đông đảo văn nghệ sĩ bày tỏ việc xét giải chưa thật công bằng, gây bức xúc trong dự luận. Chính vì vậy, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã họp và đề nghị tới Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước. Trong đó có nêu: “Cho Hội đồng Nhà nước họp thêm một phiên nữa để xem xét toàn diện và tiến hành bỏ phiếu lần thứ 2. Hoặc nếu vì lý do nào đó không họp được thì cho nâng tất cả các trường hợp đã đạt 89% vào danh sách trúng giải”. Các nghệ sĩ rất mong các cấp có thẩm quyền “chiếu cố”, vận dụng mềm dẻo Nghị định 90/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước để không bỏ sót những tài năng, có nhiều cống hiến. Có thể lực bất tòng tâm Mong muốn của nghệ sĩ là vậy, nhưng rất khó có thể xảy ra trường hợp bỏ phiếu lại lần hai. Bởi theo ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTT&DL, chỉ có thể bỏ phiếu lần hai khi Hội đồng xét giải làm sai quy trình, thủ tục hoặc hồ sơ đề nghị xét giải có sai sót. Có nghĩa rằng, những nhà văn Vũ Hạnh, Trần Bạch Đằng, Văn Lê, nhà thơ Viễn Phương… chỉ có thể đợi 5 năm nữa đến kỳ xét duyệt lần sau mới có hy vọng được vinh danh. 5 năm, người còn, người có thể sẽ khuất núi, nhưng điều quan trọng là họ vẫn thấp thỏm liệu suốt cuộc đời cống hiến có được vinh danh hay không trong khi 28 thành viên Hội đồng cấp Nhà nước chỉ có 4 thành viên ít ỏi làm nghề nhiều năm, chủ yếu là đại diện các cấp chính quyền. Như thế việc gạch hay để trong mỗi phiếu bầu ghi nhận cống hiến của cả đời làm nghệ thuật phụ thuộc nhiều vào cảm tính, từng nghe, từng thấy. Nhà văn Chu Lai - thành viên Hội đồng xét giải cấp Nhà nước chia sẻ, ông đã dành nhiều thời gian để thuyết trình, bảo vệ giá trị tác phẩm trước toàn hội đồng, nhưng lực bất tòng tâm. Những bất cập trong khâu xét duyệt khiến nhiều nghệ sĩ tài năng, thực sự được công chúng yêu mến không còn tha thiết với danh hiệu, giải thưởng. Ở một góc nhìn khác, điều này ít nhiều còn khiến những giải thưởng, danh hiệu đánh mất giá trị khi số đông công chúng, khán giả đang mất dần thói quen nhìn nhận giá trị tác phẩm, tên tuổi của nghệ sĩ thông qua những giải thưởng, danh hiệu mà họ đạt được.
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2012. |