Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa hết nỗi lo mùa mưa bão

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều sự cố sụt lún, sạt trượt tại các tuyến đê tả Đuống, hữu Cà Lồ…

Nhiều sự cố đê, kè

Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất là nứt, trượt bờ bãi sông khu dân cư, vị trí Km 9 + 300 đến Km 9 + 325 đê tả Đuống thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm từ ngày 21/7. Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, bờ sông xuất hiện vết nứt dài khoảng 25m, rộng 0,2 - 0,3m và có xu hướng tiếp tục phát triển. Ông Phạm Đức Phương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 6 cho biết, nguyên nhân do mặt cắt lòng sông hẹp phía sau cầu Đuống, dòng chảy siết áp sát vào bờ làm xói mòn chân đê dẫn đến nứt, trượt.

Trên địa bàn huyện Đông Anh có khoảng 33km đê, kè, nhưng có tới 4 vị trí sụt lún, sạt trượt trong mùa mưa bão năm nay. Đáng chú ý là sự cố lún sụt gây sạt trượt kè Xuân Canh, vị trí Km 1 + 250 đến Km 1 + 260 đê tả Đuống tại xã Xuân Canh. Sự cố xảy ra từ ngày 25/7 và vẫn đang sạt lở với tốc độ chậm. Đoạn kè sụt lún dài khoảng 25m, rộng 10m, gồm 5 khoang trong tổng thể 20 khoang lát đá hộc xử lý sự cố sạt trượt mái đê năm 2008. Hệ thống rãnh thoát nước trên thân kè cũng bị đứt gãy. "Đoạn kè này đã được xây dựng từ hơn chục năm nay, nền đất yếu nên khi gặp mưa lớn, nước chảy vào mái kè gây sũng nước, lún và trượt mái" - ông Phạm Văn Giang, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 4 cho biết.

Ngoài ra, tại Km 7 + 683 đến Km 7 + 715 thuộc địa phận xã Thụy Lâm cũng bị sạt trượt, với cung trượt dài 32m, bề rộng khe nứt 5cm. Hiện, Ban Quản lý Dự án kè cứng hóa bờ sông Hồng (Sở NN&PTNT TP) đang khắc phục xử lý khẩn cấp 250m, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 ngày nữa.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ

Ông Phạm Đức Giang cho rằng: Nếu không xử lý kịp thời các sự cố sụt lún, sạt trượt đê, kè, khi nước sông lên xuống nhanh (nhất là khi lũ tới báo động 3), sẽ ảnh hưởng tới an toàn đê điều. Hay vị trí nứt, sạt trượt đê tả Đuống thuộc thị trấn Yên Viên chỉ cách chân đê phía sông 180m và cách nhà dân 3 - 5m nên có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân. Chị Đào Thị Xoàng, tổ 2, thị trấn Yên Viên, nhà nằm ngay sát mép bờ sông bày tỏ: "Ngồi trong nhà mà lo ngay ngáy, không biết đê bị sụt lúc nào, nhất là những hôm nước lên đầy, ăn vào mái đê sâu hơn". Theo quan sát của phóng viên, cách khu vực sạt trượt không xa, hai xe cẩu vẫn đang ngang nhiên hoạt động. Tại vị trí đổ sạt đê, người dân còn tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác bừa bãi…

Theo Phó Chủ tịch TP Trần Xuân Việt, các địa phương cần tập trung giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đê điều trên toàn bộ các tuyến đê. Trước mắt, có các biện pháp xử lý các khu vực đê, kè bị sạt lở, đảm bảo an toàn cho công trình. Về lâu dài có phương án bổ sung, hoàn chỉnh các dự án bảo vệ đê, kè.