Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa nhìn thẳng vào thực trạng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ban đại diện cha mẹ học sinh (hay còn gọi là hội phụ huynh (HPH) đại diện cho ai, thu chi thế nào… là những vấn đề được quan tâm tại dự thảo "Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh" vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Đây được coi là một động thái tích cực của Bộ trong việc chấn chỉnh tình trạng hoạt động tự phát của HPH. Nhưng, những nội dung mà dự thảo đưa ra có giải quyết được thấu đáo vấn đề hay không lại là chuyện cần bàn.

Hội phụ huynh không phải tổ chức thu tiền

Trước tình trạng lạm thu tại các trường học hiện nay, vấn đề được nhiều người quan tâm chính là hoạt động thu chi của HPH. Bộ qui định, việc thu, chi, kinh phí hoạt động của HPH phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Phụ huynh có quyền từ chối các khoản đóng góp nếu bản thân không tự nguyện. Cùng với đó, kinh phí hoạt động của đại diện HPH trường được trích từ HPH lớp, có nghĩa phụ huynh không phải đóng thêm khoản "quĩ phụ huynh trường".

Dự thảo cũng nêu rõ, HPH không được thu các khoản kinh phí không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của hội như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (thực tế, những khoản này vẫn đang được HPH đứng lên thu).

Những qui định Bộ đưa ra trong dự thảo không có gì mới so với những văn bản về chấn chỉnh tình trạng lạm thu đã được Bộ ban hành thời gian qua. Trong đó, nổi lên là kinh phí hoạt động của HPH không được huy động cho các hoạt động hỗ trợ dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tuy nhiên, văn bản này tiếp tục "bật đèn xanh" cho các trường nhận đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân dưới tên gọi "nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác".

Có cắt được "cánh tay nối dài" của nhà trường

 HPH đại diện cho những người có con đi học tại trường, hay đại diện cho nhà trường, không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi này. Đây là vấn đề dự thảo mà Bộ đưa ra chưa đề cập trực tiếp. Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Nên hiểu một cách đơn giản, HPH là hội của những người có con đang học tập tại lớp, trường đó. Nên dự thảo đưa ra là không có HPH liên trường là đúng. Tuy nhiên, Bộ đã không nhìn thẳng vào vấn đề là tại nhiều trường, HPH vẫn hoạt động như một tổ chức "giúp việc" của lãnh đạo trường và giáo viên chủ nhiệm. Nên chuyện lãnh đạo trường và giáo viên chủ nhiệm hay "xúi" HPH đứng lên thu đủ các khoản đang diễn ra phổ biến. Nhưng Bộ chỉ nói rằng "Sở GD&ĐT có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh, kịp thời chấn chỉnh vi phạm…". Sở chỉ quản lý nhà trường, chứ không thể chấn chỉnh được hoạt động của HPH.

Ngay cả chuyện thế nào là tự nguyện hay không tự nguyện cũng khiến nhiều người băn khoăn. Không phải đến giờ điều này mới được Bộ đưa vào dự thảo điều lệ, trong bất cứ văn bản chỉ đạo việc thu chi nào của bộ, thành phố, Sở đều nhấn mạnh đến việc phụ huynh có quyền từ chối các khoản không tự nguyện. Nhưng thực tế phụ huynh rất khó từ chối nếu con em mình còn theo học tại trường. Theo nhiều chuyên gia giáo dục: Nhà trường hay đánh đồng các khoản thu. Bởi thực tế cũng có những khoản phụ huynh đóng góp cho nhà trường là hợp lý như: học sinh thiếu nhà vệ sinh, không thể chờ kinh phí từ chính quyền, phụ huynh đứng lên quyên góp tặng trường nhà vệ sinh. Nhưng việc vận động phụ huynh đóng tiền để mua máy tính phục vụ học tập thì sai. Bởi thế nếu đưa vào qui định cứng như dự thảo, sẽ nảy sinh rất nhiều điều bất cập và biết đâu từ đó lại nảy sinh ra những khoản đóng góp còn lạ lẫm hơn. Chị Ngọc Anh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Dịch Vọng A nhận định: Nếu chi cho hoạt động của HPH cũng chỉ cần tiền chè nước cho hai dịp họp phụ huynh đầu năm và cuối năm. Chỉ e rằng cứ cấm khoản này đại diện phụ huynh và Hiệu trưởng lại đẻ ra khoản khác. Và dù kiểm tra, thanh tra, nhưng lãnh đạo nhà trường luôn có cách giải thích rất hợp lý là phụ huynh tha thiết yêu cầu, 100% phụ huynh tự nguyện, ai cũng có đơn… Nhưng đơn ấy được thực hiện như thế nào lại là chuyện khác. Còn mức thu đồng đều cũng là do phụ huynh đồng tâm như thế.

GS.NGND Phạm Minh Hạc nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Nên đặt dưới sự giám sát của chính cơ sở

HPH phải là tiếng nói chung của toàn thể phụ huynh chứ không phải là cái loa  phát thanh cho nhà trường. Đây là tổ chức xã hội, có cách hoạt động, quy định của nó, nhưng nên đặt dưới dự giám sát của chính quyền cơ sở. Có thể HĐND TP không thể qui định cụ thể mức thu chi của quĩ phụ huynh toàn thành phố, nhưng tôi nghĩ, HĐND ở cấp phường xã thì có thể làm được ở một trường trên địa bàn mình. Đừng thả nổi hoạt động của HPH học sinh.

PGS Văn Như Cương Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh:

Không phải việc của Bộ

Việc quản lý HPH không phải việc của Bộ GD&ĐT. Bởi đây là một Hội tự phát, có thể thành lập, có thể không, phối hợp với trường để giáo dục học sinh. Và như thế, họ chỉ hoạt động theo quy định mang tính thống nhất nội bộ, chứ không thể có một điều lệ cứng. Lãnh đạo Sở, hiệu trưởng không thể và không có quyền điều hành hoạt động của hội này. Tuy nhiên, những vấn đề lộn xộn hiện nay cũng rất gay go, cần được giải quyết, nhưng không phải bằng cách ra điều lệ. Bộ chỉ nên đưa ra những mô hình hoạt động hiệu quả để các trường tham khảo, làm theo. Còn việc quản lý, giám sát, thiết nghĩ nên thuộc về Mặt trận Tổ quốc địa phương.

 

Chị Thu Hà, có hai con đang học tiểu học ở quận Đống Đa nêu ý kiến: Ngành giáo dục luôn yêu cầu "siết chặt" và kiểm tra giám sát các khoản thu, chi, cũng có buộc các trường trả lại nếu thu sai… Nhưng "liều thuốc" mà ngành giáo dục đưa ra nhằm "trị bệnh" lạm thu hầu như không hiệu quả, nên tôi không mấy tin vào điều lệ sẽ có tác dụng thực tế, bởi phần xử lý vi phạm lại rất chung chung và sơ sài: cá nhân có hành vi vi phạm các qui định của Điều lệ và các qui định khác của pháp luật có liên quan, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Nhưng cụ thể là Luật nào, điều nào, xử lý thế nào thì lại không nói rõ. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng từng cho rằng, HPH đúng nghĩa là "sợi dây" liên lạc giữa nhà trường với gia đình để phối hợp giáo dục con em. Tổ chức này không có trách nhiệm đứng ra giải quyết những công việc của nhà trường.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu Điều lệ của Bộ phải chăng chỉ mang tính hình thức trước thực trạng hiện nay? Một điều lệ với những qui định không mới so với những qui định trước đó chỉ là "ném đá ao bèo", khó giải quyết tình trạng lạm thu và HPH vẫn là cánh tay nối dài của nhà trường.