Kinhtedothi - "Lệnh cấm" của Bộ GD&ĐT: Cấm giao bài tập về nhà đối với học sinh (HS) học 2 buổi/ngày; không tổ chức thi HS giỏi; không thi tuyển sinh vào lớp 6... sau khi đưa ra lập tức nhận được sự đồng tình của xã hội. Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình học của HS tiểu học vẫn khá nặng, cần gọn nhẹ, dễ hiểu để HS thực sự được giảm tải.
Mừng nhưng vẫn lo
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các nhà trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên phải hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS. Đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, giáo viên chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS học 2 buổi/ngày, không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Đồng thời, không tổ chức thi HS giỏi đối với HS tiểu học, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các "sân chơi" trí tuệ…
Quy định nhận được những phản hồi nhiều chiều từ phụ huynh, giáo viên cũng như các nhà quản lý. Chị Nguyễn Thị Nga có con học lớp 3 trường tiểu học tại quận Thanh Xuân rất mừng khi nghe tin con không còn bài tập về nhà: "Chỉ sau đúng một ngày có "lệnh cấm", con gái tôi đã khoe với mẹ "từ nay con không phải học và làm bài tập vào buổi tối nữa nhé". Trước đây, tối nào hai mẹ con cũng mệt nhoài với hàng chục bài tập Toán, Tiếng Việt, trong đó có không ít bài nâng cao. Có hôm đến tận 11 giờ 30 đêm mới xong. Bây giờ bỏ được việc này thì tốt quá, con cũng đỡ áp lực, bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau cả một ngày làm lụng vất vả".
Tuy nhiên, ngược với quan điểm của chị Nga, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại, sợ con chểnh mảng học hành, rơi rụng kiến thức. Anh Ngọc Thắng, có con học lớp 4 trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho rằng, kiến thức lớp 4 rất khó, đây là kiến thức nền cơ bản, không phải HS nào cũng nắm chắc bài ngay trên lớp. Việc giảm tải cho HS tiểu học là điều rất đáng hoan nghênh, nhưng đang bắt các cháu phải nặng gánh lo bài về nhà mà đột ngột bỏ hết bài tập thì cũng không phải là cách hay. Đồng quan điểm, chị Thu Hằng, có con học lớp 2 trường tiểu học ở Định Công (quận Hoàng Mai) cho biết, chị phải điều chỉnh, tự dạy thêm con đọc, làm bài ở nhà mỗi tối. "Từ đầu năm đến nay, cô giáo không giao bài tập về nhà cho cháu, nhưng tôi thấy cháu đọc chưa tốt, viết bài, làm bài chậm nên mỗi tối tôi vẫn dành thêm khoảng 30 - 45 phút kèm cháu học. Việc Bộ GD&ĐT giảm áp lực cho các cháu là rất tốt, nhưng theo tôi, vẫn nên để các con học mỗi tối khoảng 30 phút đến một tiếng" - chị Hằng chia sẻ.
Nên duy trì nền nếp học tập
Bộ GD&ĐT quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm là cần thiết, nhưng nhiều phụ huynh, giáo viên lẫn nhà quản lý giáo dục vẫn lo lắng: Chương trình học của trẻ hiện nay quá nặng. Nếu không cho con học thêm, liệu HS có tiếp thu được hết kiến thức qua bài giảng của thầy cô giáo hay không?
Một giáo viên có kinh nghiệm dạy bậc tiểu học tại quận Đống Đa cho biết: "Trên thực tế, không phải HS nào cũng có năng lực như nhau, không giao bài về nhà, thầy cô nhàn hơn. Kiến thức học trên lớp là cơ bản. Tuy nhiên, khi làm kiểm tra toán, HS phải tiếp xúc với nhiều dạng bài khác nhau, kiến thức cũng nâng cao hơn, nếu không học thêm, về nhà không làm thêm bài thì các em khó có điểm tốt. Nên giao bài tập về nhà ở mức nhẹ nhàng, như thế vừa không gây áp lực cho các em, vừa duy trì được nền nếp, ý thức học tập của HS".
Bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B (quận Đống Đa) cho hay, trường từ lâu đã không giao bài tập về nhà, đặc biệt với các lớp 1, 2, 3. Tuy nhiên, ở khối lớp 4 và 5, lượng kiến thức Toán rất lớn với những bài khá phức tạp như nhân, chia số dư nên trường đề nghị phụ huynh phải nhắc nhở con xem lại bài và chuẩn bị bài hôm sau. "Đối với HS lớp 1 nếu nhanh nhẹn sẽ không phải chuẩn bị gì cho hôm sau, nhưng với các em chậm hơn, phụ huynh cần giúp ôn bài buổi tối. Với HS lớp 4, 5, những em học chưa tốt, phụ huynh nên chủ động kèm mỗi tối từ nửa giờ đến một giờ…" - bà Yến khuyên.Cũng khá nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình và các môn học cấp tiểu học đã bám sát mục tiêu giáo dục, chú ý tới giáo dục toàn diện, đảm bảo tính chính xác, khoa học, song chương trình sách giáo khoa còn nặng. Để giảm tải cho HS, trước hết cần có một chương trình gọn, nhẹ, đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, đổi mới cách dạy - học, có như vậy mới thực sự giảm được áp lực cho HS, chứ không chỉ đơn thuần lấy cấm đoán để nhằm mục đích giảm tải!
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Quý Trung
|