Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa phát huy được vai trò “bà đỡ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được coi là "bà đỡ" cho người nông dân trong quá trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, song thời gian qua, hoạt động của nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả, do gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn chồng chất

HTX NN Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, có 3.718 xã viên, với 312ha đất nông nghiệp. Hiện nay, HTX đang làm các khâu dịch vụ như tưới tiêu, bảo vệ, diệt chuột, giống, thuốc bảo vệ thực vật… Ông Hoàng Tiến Giáp - Chủ nhiệm HTX NN Phùng Xá cho biết, mặc dù HTX đang làm ăn có lãi nhưng hoạt động vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa mở rộng được các dịch vụ ngoài sản xuất. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn do tư thương ép giá nên hiệu quả sản xuất không cao.

 
Cán bộ HTX NN Phú Thắng, huyện Phú Xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật mạ khay, máy cấy. Ảnh: Quang Thiện
Cán bộ HTX NN Phú Thắng, huyện Phú Xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật mạ khay, máy cấy. Ảnh: Quang Thiện
Tương tự, huyện Phúc Thọ có 33 HTX NN, chủ yếu làm dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, không có lợi nhuận nên thu nhập của bộ máy quản lý HTX rất thấp, không thu hút được đội ngũ cán bộ có trình độ. Hơn nữa, tài sản, cơ sở vật chất của HTX cơ bản đã được chuyển đổi thành các công trình phúc lợi công cộng hoặc chuyển giao cho chính quyền quản lý. Do đó, các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ hoặc vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. "HTX NN được coi là bà đỡ trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại chưa hoàn thành được vai trò này" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn chia sẻ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP có 985 HTX NN, với tổng số trên 1 triệu xã viên. Năm 2013, có hơn 40% số HTX hoạt động không có lãi. Cơ sở vật chất của HTX tuy lớn nhưng chủ yếu là địa điểm làm việc, kênh mương nội đồng đã bị xuống cấp, không được đầu tư nâng cấp thường xuyên. Đáng nói là nhiều HTX chưa tổ chức cho xã viên tham gia chương trình, dự án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa như rau an toàn, lúa hàng hóa... Đặc biệt, chưa mở rộng được liên kết giữa các HTX trên địa bàn và liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đổi mới hình thức hoạt động

Hiện nay, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển HTX song chưa đồng bộ, chưa cụ thể hóa cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Nhiều HTX chưa tiếp cận được chính sách khuyến khích phát triển sản xuất như chưa được giao đất để làm trụ sở, chưa được vay vốn đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ mới nên đã hạn chế nhiều đến việc phát triển sản xuất. Vì vậy, ông Trần Bá Cao - Chủ nhiệm HTX NN Phú Thắng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên đề nghị, TP, huyện cần có chính sách hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho các HTX tổ chức thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng mẫu lớn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời có chính sách quan tâm đến đội ngũ cán bộ HTX về tiền lương, bảo hiểm xã hội… Đại diện nhiều địa phương cũng cho rằng, cần thiết phải sáp nhập các HTX nhỏ, quy mô thôn, giải thể các HTX yếu kém để tập trung nguồn lực đầu tư cho các HTX hoạt động có hiệu quả và mở rộng các dịch vụ khác.

Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương củng cố, phát triển các HTX, hướng dẫn các HTX đăng ký lại xã viên, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng luật và phù hợp với thực tế. Cùng với đó, khuyến khích các HTX mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ kinh doanh, nhất là chế biến, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, tham mưu, đề xuất với TP ban hành các chính sách có tính khả thi với HTX như thành lập mới HTX; chính sách giao đất cho thuê làm trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh của HTX; chính sách khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; xúc tiến thương mại, tài chính, tín dụng…