Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là điều cần thiết, trong đó, cần quy trách nhiệm rõ hơn cho cá nhân, tập thể, người đứng đầu cơ quan vi phạm.

Luật có chặt chẽ, mới "siết" được nạn tham nhũng tràn lan ở mọi lĩnh vực như hiện nay. Đó là nội dung được các ĐBQH thảo luận tại tổ chiều qua, 2/11.

Kê khai hình thức, không diệt được tham nhũng

Đề cập đến đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, nhiều ĐB đồng tình chưa nên mở rộng đối tượng, bởi việc kê khai, minh bạch tài sản hiện vẫn còn hình thức, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng thấp, nếu mở rộng đối tượng cũng chưa giải quyết được nhiều. ĐB Nguyễn Đình Quyền, Chu Sơn Hà, Nguyễn Thị Ngọc Thanh (đoàn Hà Nội) đều cho rằng, chỉ nên công khai bản kê khai tài sản của đối tượng ở đơn vị công tác, chưa nên công khai ở nơi cư trú. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải công khai tài sản thì rất hình thức, để phòng chống tham nhũng thì việc kê khai tài sản chỉ nên tập trung vào những người có chức quyền.

Chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu - Ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: TTXVN

ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP. HCM) lưu ý, việc kê khai tài sản cần phải thận trọng, tránh làm rối tung lên, thậm chí vi phạm quyền con người. Nhận định của ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), hiện nay việc kê khai tài sản rất hình thức, hiệu quả không cao. "Nhiều vị giữ chức to rất giàu, nhiều tài sản có giá trị lớn, mà khi kê khai lại chả có gì giá trị, thế làm sao chống được tham nhũng, cách kê khai ấy chỉ chống được trên hình thức", ĐB Bùi Thị An nêu. Cũng theo bà, tới đây, Luật nên quy định rõ ràng, cụ thể hơn, trước mắt tập trung vào diện cán bộ có chức có quyền, đảng viên. Lộ trình lâu dài hơn, có thể thực hiện việc kê khai tài sản trên diện rộng.

Còn ý kiến của ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP. HCM), thì hiện Luật chưa qui định rõ ràng nên lúng túng trong xử lý. Vậy nên, cần định nghĩa lại chính xác tội danh, đối tượng, nếu như trong dự thảo, cũng không mong bắt được "cá to", mà chỉ phát hiện được những tội tham nhũng vặt.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định về xác định trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng mà Dự thảo Luật đề cập chưa rõ ràng, nhất là khái niệm người đứng đầu. Thực tế, các địa phương rất lúng túng trong việc xác định trách nhiệm người đứng đầu, nhất là những người liên đới. Vì thế, các ĐB đề nghị, Dự thảo Luật phải giải thích rõ. "Ở nước ngoài, có bê bối xảy ra là người đứng đầu phải từ chức. Như ở Ấn Độ, sau một tai nạn đường sắt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ chức luôn. Ở ta, khi chất vấn, Bộ trưởng nào cũng nói đã làm đúng quy trình, đúng quy trình sao hậu quả lại tệ thế? Vì vậy, phải quy định rõ  trách nhiệm của người đứng đầu từng ngành, từng cấp", ĐB Bùi Thị An đề xuất.

Cần cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng

Để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó phải có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ những người dám tố cáo, kiên trì tố cáo những hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các ĐB đề xuất, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần quan tâm và thực hiện tốt việc bảo mật thông tin người tố cáo và xử lý, giải quyết nhanh, dứt điểm các thông tin của người tố cáo; đồng thời có biện pháp xử lý mạnh mẽ những hành vi trả thù người tố cáo.

Đánh giá về việc tố cáo, chống tham nhũng thời gian qua, ĐB Bùi Thị An nhận định, đại đa số việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, còn lại các cơ quan đoàn thể, cấp ủy phát hiện rất ít. "Vậy người phát hiện tham nhũng phải được bảo vệ thế nào, vì hiện nay cơ chế này chưa rõ ràng khiến người dân e ngại". Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh: Cùng với chống tham nhũng, Luật phải có quy định rõ ràng để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Người dân có tố cáo hay không, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ họ. Nếu người nào để lộ tin, không bảo vệ người tố cáo phải có chế tài xử lý thích đáng.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất, cần thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng tại Quốc hội. Cơ quan nào cũng có phòng chống tham nhũng, vậy sao Quốc hội lại không có? Nhiều ĐB khác cho rằng, cần có Ủy ban chống tham nhũng độc lập, để họ không bị lệ thuộc bất cứ điều gì, bất cứ ai trong quá trình phòng chống tham nhũng. Đồng thời, những người làm công tác phòng chống tham nhũng phải được bảo đảm thu nhập, không để họ phải lo toan về đời sống.