Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa rõ trách nhiệm và địa chỉ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/9, sau khi nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật...

Kinhtedothi - Ngày 22/9, sau khi nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014, nhiều thành viên UBTV Quốc hội đã bày tỏ quan ngại khi chưa thấy rõ được trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra sai phạm, thất thoát trong quản lý.

Kết quả giám sát cho thấy, các nông, lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn (hơn 7,9 triệu ha, trong đó có hơn 2,4 triệu ha rừng sản xuất; 638.985ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619ha đất chưa sử dụng), song sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến.	 Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng cho biết, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông lâm trường chưa cao, tổng nộp ngân sách Nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004 - 2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng. Phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn khi báo cáo có đặt ra kiểm điểm trách nhiệm, nhưng không biết kiểm điểm ai? không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ ghi kiểm điểm bộ, ngành T.Ư chung chung. Từ đó, ông Giàu đề nghị, cần rà soát trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương xem đã rạch ròi chưa? Bộ, ngành thì nói địa phương, còn địa phương thì lại nói chờ bộ, ngành. Đến nay tình trạng này còn khá phổ biến trong xã hội ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng "đau xót" trước tình trạng "rà soát thấy 10 năm qua lãng phí về tài nguyên quá, mất đất giờ thành tư nhân, bán đất rồi. Trách nhiệm đối với địa phương, bộ, ngành thế nào thì phải cương quyết. Ai làm sai thì phải tính". Không chỉ nói một câu "ta cơ bản không quản lý giám sát được đất nông lâm trường, gây lãng phí".

Việc chuyển đổi mô hình công ty cũng được các thành viên UBTV Quốc hội cho là mới chỉ dừng lại trên đề án. Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy định hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt.

Trước vấn đề trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho rằng, việc quy trách nhiệm là khó vì đã trải qua nhiều thời kỳ. Ngoài trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng thì trách nhiệm còn lại thuộc về các địa phương. "Vì vậy, mong Quốc hội có Nghị quyết giải quyết dứt điểm vấn đề này, nếu không để 10 năm nữa cũng không giải quyết được" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, việc sử dụng đất của các nông lâm trường đang còn bất cập, do đó cần chỉ rõ chính sách nào chưa hợp lý để còn triển khai xây dựng, đưa ra giải pháp cụ thể. Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, yếu nhất là khâu tổ chức thực hiện, thực hiện chưa nghiêm, trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời. "Giám sát thì phải đánh giá cho được như thế nào, vướng ở đâu để còn kiến nghị đề ra giải pháp cụ thể" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý.
Thực hiện kết luận chất vấn, giám sát của Quốc hội còn chậm
Trong phiên họp chiều, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Báo cáo của Chính phủ cũng như thẩm tra của các Ban chỉ ra trong một số lĩnh vực, việc thực hiện các kết luận chất vấn, giám sát dù đã được triển khai  nhưng chuyển biến còn chậm. Như tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DN Nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2013 còn chậm; Việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian qua có thời điểm còn chưa thật sát thực tế. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn. Lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều (43,09%) nhưng vẫn còn khá lớn... Mặc dù sắp kết thúc kỳ kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015, tuy nhiên, chỉ có 35 tỉnh, TP đã phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được 100% số đơn vị hành chính cấp huyện; có 564/708 huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015)...
Một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhưng còn chưa đạt được đầy đủ yêu cầu, như việc ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp; việc xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài; việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Từ thực tế này, các thành viên UBTV Quốc hội đề xuất, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục thực hiện và hoàn thành các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề" để đánh giá về việc thực hiện nghị quyết của các cơ quan chịu sự giám sát; đồng thời, làm cơ sở để các cơ quan có liên quan tiếp tục triển khai, thực hiện các mục tiêu đề ra, Quốc hội khóa XIV có cơ sở để tiến hành giám sát về nội dung này.