Trước đề nghị của Chính phủ về bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình của năm 2016, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng cần “cân nhắc kỹ” khi Luật Đầu tư, Luật DN mới có hiệu lực thi hành từ 1/7. Làm rõ bất cập chồng chéo Lý giải về việc đề nghị bổ sung Dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Dự Luật nhằm khắc phục sự chồng chéo trong đầu tư kinh doanh với nhiều luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Đến nay, Dự Luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định và hy vọng tháng 7 Chính phủ sẽ xem xét và trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay theo quy trình một kỳ họp.
Tuy nhiên, với góc độ là cơ quan thẩm tra các dự luật liên quan đến vấn đề kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ quan điểm: “Cho đến nay chưa có thông tin gì về dự án luật này”. Đồng thời cho biết, nhiều kiến nghị của DN được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tập hợp, chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, nên cần cân nhắc kỹ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu: Chưa có hồ sơ trình Dự Luật nói trên, vì thế chưa có cơ sở để đưa vào chương trình. Do đó Bộ KH&ĐT cần báo cáo Chính phủ vướng chỗ nào, có bao nhiêu luật liên quan đến Luật Đầu tư, Luật DN, trên cơ sở đó Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội. Không phải là “bãi rác” của thế giới Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ sang cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 (theo quy trình một kỳ họp). Tuy nhiên, nhấn mạnh vấn đề chuyển giao công nghệ hiện DN rất bức xúc, không thể để chúng ta trở thành “bãi rác” của thế giới, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ mới, hiện đại, giải quyết những yêu cầu thực tế đặt ra. Liên quan đến đề nghị lùi thời gian trình một số dự luật khác, UBTV Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 4 và đề nghị vẫn trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp; rút khỏi Chương trình năm 2016 Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để có thêm thời gian chuẩn bị. Chiều cùng ngày, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 50, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV; việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV; việc chuyển kênh truyền hình Quốc hội từ Đài Tiếng nói Việt Nam về Văn phòng Quốc hội.
Làm thủ tục, hồ sơ tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Tiếp tục lùi trình Luật Biểu tình Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, Dự án Luật biểu tình đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên do đây là Dự Luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong Dự Luật vẫn còn ý kiến khác nhau, hồ sơ của Dự Luật chưa đầy đủ. Do đó chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa Dự án Luật này vào chương trình. Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về an toàn thực phẩm Ngày 12/7, cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội năm 2017, sau khi thảo luận, UBTV Quốc hội đã thống nhất dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”; và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020” để Quốc hội giám sát tối cao. Các chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh -chuyển giao (BOT)”; và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển” để UBTV Quốc hội giám sát. Đây đều là những vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết tới đời sống của Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, mỗi kỳ họp chỉ nên chọn một chuyên đề giám sát, đồng thời thành phần đoàn giám soát phải gọn nhẹ, thiết thực, không rồng rắn đến; tránh một địa phương có hai đoàn giám sát, dù hai chuyên đề giám sát khác nhau. |