Chính sách nhiều, nhưng triển khai chậm
Kết quả tổng hợp từ đợt giám sát cho thấy, trong 5 năm (từ năm 2009 - 2013) TP đã dành 33,943 tỷ đồng cho chương trình, dự án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, tham gia hội chợ trong và ngoài nước, hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm làng nghề... Chính sách về khoa học công nghệ đã hỗ trợ cho 11 làng nghề đăng ký nhãn hiệu tập thể với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng; 5 làng nghề được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể (132 triệu đồng)... Qua đó, số làng có nghề đã tăng từ 1.270 lên 1.350 (tăng 80 làng); số làng có nghề được công nhận tăng từ 256 lên 286 (tăng 30 làng). Hầu hết các địa phương có nghề đều dành đất để quy hoạch phát triển cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới (tính đến năm 2013 có 107 cụm được thành lập với diện tích 3.192,9ha). Tuy nhiên, nhận thức của người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh, các chủ cơ sở sản xuất về các chính sách phát triển làng nghề vẫn còn hạn chế nên việc triển khai chính sách rất chậm, thậm chí, nhiều địa bàn DN gần như chưa tiếp cận được với chính sách.
Thực tế giám sát cũng cho thấy, do mặt bằng chật hẹp, nên hầu hết các xưởng sản xuất nằm tại gia đình, vì vậy khó đầu tư, đổi mới công nghệ. Đó là chưa kể nguồn vốn để phát triển làng nghề luôn thiếu, việc vay vốn còn hạn chế, các cơ sở sản xuất chủ yếu dùng vốn tự huy động. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ như bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm về khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, chất thải rắn… tại các làng nghề đã lên tới mức báo động, nhất là ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, lâm sản, dệt may, cơ kim khí…
Nhìn lại từ đợt giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy cho rằng: Nhiều huyện vẫn chưa có kế hoạch hàng năm hoặc kế hoạch riêng về phát triển làng nghề; việc công nhận nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm, công nhận nghệ nhân chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất chưa thực hiện tích cực, việc nhân cấy nghề mới, xử lý ô nhiễm môi trường chưa có hiệu quả...
Liên kết “ba nhà”
Tại làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa - nơi duy nhất trong số 175 làng nghề truyền thống của huyện Chương Mỹ xây dựng được thương hiệu tập thể, nhưng so với thời kỳ thịnh vượng cách đây khoảng 10 năm, từ chỗ 35 DN đến nay cả xã chỉ còn chưa đầy 10 DN hoạt động. Số người tham gia nghề hiện nay còn khoảng 50% tổng số lao động, chủ yếu là người già và trẻ em, thu nhập bình quân từ 0,6 - 1,4 triệu đồng/tháng.
Tại các làng nghề truyền thống gốm sứ như Bát Tràng, Kim Lan, Giang Cao hay làng nghề dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ…, hoạt động sản xuất cũng đang có dấu hiệu chững lại. Thậm chí có nơi như làng nghề ren Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, lãnh đạo xã đang lo lắng trước nguy cơ mất nghề khi còn rất ít hộ gắn bó với công việc này.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về làng nghề, hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề thật sát thực tế để các chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề được cụ thể hóa trong thực tiễn. Và đặc biệt, để các làng nghề phát triển được, về lâu dài, TP và các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề, xây dựng chương trình liên kết 3 nhà (nhà quản lý - nhà trường - nhà sản xuất), quy hoạch vùng nguyên liệu và sớm triển khai nhanh, hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường các làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.