Do đó, cần đề phòng bão mạnh, dông tố, lốc, mưa đá xảy ra vào thời kỳ giao mùa; những trận mưa lớn diện rộng xuất hiện gây úng ngập cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp.
Đó là thông tin từ Chi Cục Quản lý Đê điều TP Hà Nội đưa trong buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 15/5 về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn TP năm 2018.
Theo báo cáo, năm 2017 là năm có số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và lượng mưa trung bình đạt kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong đó, cơn bão số 2 và số 10 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội, đặc biệt, vào tháng 10/2017, do ảnh hưởng của rìa áp thấp nhiệt đới kết hợp gió đông trên cao, Hà Nội đã có mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhân dân, các huyện bị thiệt hại nặng như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai. Năm 2018 được dự báo là năm thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn.
Chi Cục phó Chi Cục đê điều Nguyễn Xuân Hải cho biết: Hiện, Hà Nội còn 4 điểm trọng điểm và 12 điểm xung yếu, trong đó đê kè Xuân Canh - Long Tửu là trọng điểm lớn nhất, tiềm ẩn độ nguy hiểm cao của Hà Nội, dễ sạt lở. Cùng với đó, Cống Cẩm Đình - Phúc Thọ cũng đang có hiện tượng sụt lở nghiêm trọng, TP đã và đang có chỉ đạo xử lý 4 điểm trọng điểm và 12 điểm xung yếu này. Liên quan đến vi phạm của các trạm trộn bê tông và xe quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều của TP, Chi Cục đê điều lưu ý, cần phải đẩy mạnh hình thức xử phạt nguội để tăng tính răn đe.
Trả lời báo chí về vấn đề đề ngập úng khu vực nội, ngoại thành và phương án giải quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, mức độ ngập úng trên địa bàn TP ngày càng gia tăng. Nếu mưa từ 50 - 100mm trong 2 tiếng đồng hồ thì còn khoảng 15 điểm ngập úng. Nguyên nhân của việc ngập úng này là do mật độ xây dựng trong TP hiện nay cao, cùng với đó, rác thải quá nhiều gây ách tắc cống tiêu thoát nước mỗi lần có mưa lớn.
Hiện nay, TP đang kêu gọi đầu tư các trạm bơm lớn như Liên Mạc, Yên Thái và Đông Mỹ, đến 2019 - 2020, các trạm bơm này dự kiến mới có thể đảm nhiệm tốt cho việc tiêu thoát nước của TP. Chính vì vậy, trong mùa mưa bão năm nay, hiện tượng úng ngập trên địa bàn TP sẽ chưa thể giải quyết triệt để.
“Hiện nay, phía Sở NN&PTNT đã thẩm định xong thiết kế cơ sở, nếu TP dự kiến triển khai trong năm nay thì năm 2020 hoàn thành được. Nếu tiến độ các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng hợp đồng thì đến năm 2020 các trạm bơm Yên Thái, Đông Mỹ hoạt động được. Tại mùa mưa này chỉ có thêm trạm bơm ở Yên Nghĩa hoạt động thôi, còn các trạm bơm kia chứ nếu có mưa lớn tình trạng ngập úng chắc chắn vẫn còn xảy ra”, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nói.