Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa thể tự do hóa lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các đợt cắt giảm lãi suất huy động đã được nhiều ngân hàng mạnh tay thực hiện trong vài tuần gần đây. Thậm chí, tại nhiều ngân hàng, giá vốn đầu vào đã giảm xuống dưới trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc NHNN tính đến phương án tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc cần làm nhất hiện nay là tái cơ cấu dứt điểm các ngân hàng yếu kém, sau đó mới tính đến việc bỏ trần lãi suất.

 
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Agribank Hà Nội.      Ảnh:  Hải Linh
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
 
Bên cạnh việc giảm mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng lớn, trên nhiều diễn đàn, những lời mời chào gửi tiền với lãi suất thỏa thuận từ nhiều ngân hàng nhỏ vẫn xuất hiện. Tại sao lại có tình trạng trên, thưa ông?

- Với các ngân hàng tốt, hoạt động lành mạnh, họ giảm được lãi suất huy động là do tự cân đối được các chi phí về giá vốn. Đây là việc bình thường trong cân đối cung cầu của các ngân hàng. Lãi suất huy động giảm, cơ hội giảm lãi suất cho vay sẽ nhiều hơn.

Tình trạng thỏa thuận lãi suất vẫn xuất hiện chứng tỏ không phải tất cả các ngân hàng đều thừa và "ế" vốn. Vẫn còn những ngân hàng yếu kém, có nhu cầu vốn rất cao. Bởi vậy, theo tôi, quá trình tái cơ cấu phải giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt để lành mạnh hóa thực sự hệ thống ngân hàng. Chừng nào còn ngân hàng yếu kém, chuyện mua bán sáp nhập chưa xong, thị trường chưa được thiết lập cân bằng thì tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lãi suất vẫn sẽ còn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc NHNN nên tính đến việc bỏ trần lãi suất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tự do hóa lãi suất là vấn đề mà việc điều hành chính sách tiền tệ thời nào cũng hướng tới. Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh lãi suất vẫn còn cho thấy, quá trình tái cơ cấu vẫn chưa giải quyết dứt điểm được các ngân hàng yếu kém. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Diễn biến trên thị trường cho thấy, câu chuyện huy động vốn chưa ổn định hoàn toàn khi một số ngân hàng nhỏ phải tìm cách thu hút vốn với mức lãi suất cao hơn trần 7% của NHNN. 

Như vậy, nếu như bỏ trần lãi suất huy động thì lập tức mặt bằng lãi suất sẽ bị phá vỡ ngay. Kéo theo lãi suất cho vay sẽ khó giảm 1 - 2% trong năm nay như mong muốn của NHNN và Chính phủ. Hiện tượng cạnh tranh vô lối lại tiếp diễn. Vốn từ ngân hàng này lại chảy sang ngân hàng khác, khách gửi tiền từ ngân hàng này chạy sang ngân hàng khác. Thị trường sẽ xáo trộn.

Quan điểm của tôi cho rằng, đây không phải là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất huy động. Điều kiện để bỏ trần lãi suất là khi thị trường ổn định, không có chuyện các ngân hàng vượt rào hay xé rào lãi suất. 

Theo nhận định của ông, thời gian tới lãi suất có thể giảm nữa không?

- Việc lạm phát tăng rất thấp hai tháng đầu năm là cơ hội để NHNN và các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Điều kiện vĩ mô ủng hộ, tuy nhiên, để có thể hạ tiếp lãi suất, bản thân các ngân hàng cũng cần nỗ lực giảm chi phí hoạt động hành chính, qua đó, hạ lãi suất đầu ra.Về phía cơ quan quản lý, muốn quản lý cung tiền thì phải sử dụng công cụ lãi suất. Lãi suất phù hợp mới có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!
 
Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án“Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có Quyết định số 363/QĐ - TTg thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015" và Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng". Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án nêu trên…