Chưa xứng với tiềm lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là huyện ven đô với nguồn lực dồi dào, nhiều thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng sau 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Đông Anh mới có 2 xã được công nhận đạt chuẩn.

Kết quả này đã khiến Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU phải đặt câu hỏi: Tại sao tiềm lực nhiều mà kết quả chưa cao?

Đẩy mạnh sản xuất, huy động tốt nguồn lực

Từ năm 2012, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh đã hoàn thành dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Sau DĐĐT, vụ mùa năm 2013, xã đã áp dụng mô hình mạ khay máy cấy vào sản xuất. Theo lãnh đạo xã, mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm ngày công lao động, năng suất lúa tăng 20% so với làm thủ công. Đến nay, toàn xã đã áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đời sống người dân được nâng lên, nhân dân rất phấn khởi. 

Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, những năm qua, huyện đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ giúp nông dân giảm bớt khó khăn, thúc đẩy sản xuất, qua đó tạo bước tiến bền vững cho sản xuất nông nghiệp có nhiều. Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp từ 2010 đến nay là gần 60 tỷ đồng; hỗ trợ tổ chức 591 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT và 53 lớp IPM; hỗ trợ mua cây giống, con giống, phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Đặc biệt, năm 2014, huyện đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Kết quả bước đầu đã có 37 máy gặt đập liên hợp và 27 máy cấy... Tính đến thời điểm này, huyện Đông Anh đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Xuân Nộn và Nam Hồng; 21 xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của người dân trong huyện đạt 29 triệu đồng/người/năm; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện.

Không chỉ đầu tư phát triển sản xuất, huyện Đông Anh còn làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sức dân, tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, huyện đã huy động được gần 130 tỷ đồng của các doanh nghiệp thông qua việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ huyện vận động ủng hộ được 2,3 tỷ đồng. Hội Nông dân huyện vận động ủng hộ xây được một nhà tình nghĩa. Liên đoàn lao động huyện vận động ủng hộ được 200 triệu đồng… Đến nay các xã cũng vận động các tổ chức, đơn vị, nhân dân ủng hộ được 55,7 tỷ đồng, hiến gần 58.000m2 đất cùng hàng nghìn ngày công lao động. Đặc biệt, từ năm 2010 - 2013, huyện cũng đã tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá đất xen kẹt với số tiền 1.047 tỷ đồng.  

 Phấn đấu 7 xã đạt chuẩn 

Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân của huyện Đông Anh, song tại buổi làm việc mới đây với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, với tiềm lực như của Đông Anh thì việc mới có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là quá ít. 

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang, sở dĩ số xã đạt chuẩn NTM của Đông Anh chưa nhiều là do một số tiêu chí đang gặp khó khăn về vốn như: Đường ngõ xóm, kênh mương nội đồng, chợ, trường học, nhà văn hóa… Cụ thể, theo quyết định, kinh phí làm đường ngõ, xóm do TP hỗ trợ 16,8%, 20% là của địa phương và đóng góp của người dân nhưng đến nay, TP chưa rót kinh phí. Một số xã đang triển khai làm kênh mương nội đồng nhưng thiếu vốn nên phải dừng lại. Mặt khác, do khó khăn về kinh tế nên việc đấu giá quyền sử dụng đất của huyện trong năm nay cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng NTM. 

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, huyện Đông Anh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM gồm: Kim Chung, Bắc Hồng, Nguyên Khê, Vân Nội, Cổ Loa, Đông Hội và Mai Lâm. Hiện, các xã này đều đạt và cơ bản đạt hầu hết các tiêu chí. UBND huyện và Tổ công tác đang chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các xã đánh giá chấm điểm các tiêu chí, từ đó xác định nhiệm vụ cần thực hiện trong các tháng cuối năm. Về dồn điền đổi thửa, đến hết tháng 5/2014, toàn huyện đã thực hiện DĐĐT được 1.297ha, đạt 65,5% kế hoạch. Diện tích còn lại 684ha, Ban Chỉ đạo Huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt để hoàn thành trong năm 2014. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT trong nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo các xã trong giai đoạn 2014 - 2015 thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt; đào tạo nghề cho bà con nông dân; hoàn thành công tác DĐĐT. Đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng để phục vụ sản xuất. Ngoài 7 xã chuẩn bị hoàn thành năm 2014, huyện phấn đấu đến  năm 2015 ít nhất có 16 xã hoàn thành xây dựng NTM.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần