Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên sáng 20/7 giao dịch với cả ba chỉ số chính đều bật tăng đạt mức cao kỷ lục nhờ số liệu tăng trưởng tích cực của thị trường bất động sản và báo cáo quý của các công ty.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 66,02 điểm, tương đương 0,31%, lên 21.640,75 điểm, đạt mức kỷ lục mới của chỉ số này, cộng 3 điểm so với mốc kỷ lục gần đây nhất được thiết lập hồi đầu tháng.
S&P 500 cũng tăng 13,22 điểm, tương đương 0,54%, lên 2.473,83 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 40,74 điểm, khoảng 0,64%, lên 6.385,04 điểm. Phiên giao dịch này ghi nhận ngày thứ tăng điểm thứ 2 liên tiếp và thiết lập mức điểm kỷ lục mới của S&P 500 và Nasdaq. Đặc biệt, S&P 500 đạt mức điểm cao nhất kể từ tháng 3/2000 bất chấp mã cổ phiếu của một số hãng công nghệ giảm điểm, trong đó có IBM.
Thị trường chứng khoán châu Á ngập sắc xanh nhờ đà tăng kỷ lục của các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei-225 tăng 71,28 điểm, khoảng 0,36%, lên 20.092,14 điểm sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng như thị trường kỳ vọng. Chỉ số Topix tăng 9,39 điểm, tương đương 0,58%, lên 1.631,26.
Chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương MSCI, không tính Nhật Bản, tăng 0,15% điểm, chạm gần mức cao nhất nhất kể từ tháng 12/2007. Trong khi đó, chỉ số Composite của Thượng Hải tăng 0,25% điểm và Hang Seng của Hong Kong tăng 0,3% điểm.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày thứ Năm, và được kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, có thể bao gồm việc giảm chương trình mua trái phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định ngân hàng trung ương sẽ không ngay lập tức đưa ra những thông tin quan trọng về kế hoạch thu hẹp chương trình mua lại tài sản cho tới tháng 9.