Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán hãm đà giảm

Thảo Nguyên - Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên giao dịch chiều 10/3, lực cầu bắt đáy dâng cao đầu phiên chiều giúp hàng loạt cổ phiếu (CP) trụ cột bứt phá, đẩy chỉ số VN-Index hồi phục.

Nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu chứng khoán (ảnh to), biến động VN-Index trong phiên giao dịch chiều ngày 10/3/2020 (ảnh nhỏ). Ảnh: Mai Hương
Khối công nghệ, thực phẩm tiếp tục là trụ cột
Trong phiên sáng, VN-Index đã có lúc giảm hơn 3,3% về vùng 807 điểm. Tuy nhiên, ngay khi chạm mức trên, lực mua bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ, kéo chỉ số về lại gần 835 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch, với một số cổ phiếu lớn đảo chiều xanh trở lại như VNM, CTG, MSN, FPT, VPB… phần còn lại cũng đã hãm bớt được đôi chút đà giảm.
Đáng chú ý, hai ông lớn ngành bán lẻ là VNM (Vinamilk) và MSN (Masan) đóng góp lớn nhất trong việc nâng đỡ VN-Index: VNM khi tăng đến 4,8% lên 101.700 đồng/CP và khớp lệnh gần 1,8 triệu CP, còn MSN tăng gần 4%. Khối ngoại mua ròng mạnh trong 2 phiên gần đây cho thấy khả năng “cầm máu” trong các phiên tới đang gia tăng.
Đối với các NĐT dài hạn, có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20 - 30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 780 - 800 điểm và ưu tiên các DN thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19 như ngành công nghệ, tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm), ngành phân bón (hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh giúp tiết giảm chi phí đầu vào) hoặc các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản (xuất khẩu tôm, cá tra).
Ngoài ra còn có ông lớn ngành công nghệ FPT đã phục hồi 3,2% lên 51.900 đồng/CP, đã kìm hãm đà giảm của chỉ số. DGW - CTCP Thế Giới Số cũng phục hồi. Thực phẩm, đồ uống hiện tăng mạnh ở mức 1,68%.
Các mã ngân hàng VPB, CTG, TCB, MBB cũng ghi nhận sự tích cực. Nhóm cổ phiếu nhỏ đáng chú ý vẫn là AMD và QCG, khi không gì cản được đà tăng kịch trần, trong đó AMD tiếp tục tình trạng dư mua giá trần khối lượng lớn.
Kết phiên 10/3, VN-Index tăng 2,01 điểm (2,01%) đạt 837,50 điểm thanh khoản, sàn HoSE lên đến 5.043 tỷ đồng. Có tổng cộng 204 mã tăng, trong đó có 12 mã tăng trần, trong khi số mã giảm chỉ còn 164 mã, trong đó chỉ có 15 mã giảm sàn. HNX-Index giảm 0,14 điểm (0,14%) còn 106,20 điểm; UPCoM-Index tăng 0,97 điểm (1,85%) đạt 53,41 điểm.
Cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt
Đánh giá về phiên này, giới chuyên môn cho rằng, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm thử thách kênh tăng điểm dài hạn với điểm tiếp xúc nằm tại vùng 835 điểm. Đây được xem là một vùng hỗ trợ có ý nghĩa khá mạnh. Tiếp theo VN-Index sẽ phải test vùng 850 - 875 điểm.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay vẫn yếu do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà đầu tư (NĐT) cần hết sức thận trọng trong việc giải ngân và hạn chế các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và những ngành nghề phần nào được hưởng lợi từ giá dầu giảm như: Bán lẻ tiêu dùng thiết yếu, đồ dùng chăm sóc cá nhân, nhà cửa, sữa (MCH, VNM, NET, LIX, MML), phân bón (DPM, DCM), vật tư y tế, bán lẻ, phân phối dược (FRT, DHG, DNM), điện (POW, PGV), thép xây dựng (HPG)…
Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng giá dầu trung bình năm 2020 sẽ thấp hơn mức dự đoán vào thời điểm đầu năm (ở mức trung bình 60 - 65 USD/thùng). Đây cũng là kịch bản cơ sở mà hầu hết các DN có hoạt động sản xuất liên quan đến giá dầu xây dựng. Vì vậy, giá dầu giảm sẽ giúp DN các ngành vận tải, logistic, phân bón, điện khí… phần nào được hưởng lợi và giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Cổ phiếu các nước chao đảo
Chứng khoán Mỹ trong phiên ngày 9/3 hứng “cú đấm kép” từ cuộc chiến giá dầu do các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh khơi mào và dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 15/10/2008 khi “bay” 2.013,7 điểm (tương đương 7,87%) và đóng phiên với 23.851,02 điểm. Chỉ số S&P 500 lao dốc hơn 7,6% và kết thúc phiên giao dịch với 2.746,56 điểm trong khi Nasdaq Composite đóng cửa với 7.950,68 điểm, giảm 7,29%.
Cùng với đà lao dốc mạnh nhất của thị trường Phố Wall kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên ngày 10/3 khi giới đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích thị trường. Sau cú trượt dài 5,07% trong phiên trước đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiếp tục trượt giảm thêm 0,38%, trong khi đó, chỉ số Topix lội ngược dòng và lên điểm 0,27%. Cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc đại lục ghi nhận những diễn biến đối lập nhau khi chỉ số Shanghai Composite nhích 0,62%, Shenzhen Composite sụt 0,526%. Trong khi đó, chứng khoán Australia có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số S&P/ASX 200 quay đầu phục hồi nhích 0,94%. Ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch, S&P/ASX 200 rơi vào “thị trường gấu” khi mất hơn 20% so với mốc điểm cao nhất trong 52 tuần qua. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt nhẹ 0,18%, trong khi chỉ số MSCI cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản, tăng 0,93%.
Phân tích trên tương quan toàn cầu, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn trở lại, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao. Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vậy nên, chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng