Chứng khoán hôm nay 8/6: VN-Index lao dốc mất gần 40 điểm, cơ hội đầu tư cho sóng mới

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phiên giao dịch hôm nay (8/6), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục bị bán tháo, đẩy các chỉ số lao dốc mạnh. Có lúc VN-Index mất hơn 40 điểm, cuối phiên có thu hẹp nhưng vẫn mất trên 38 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sắc xanh lan tỏa trên thị trường ngay đầu phiên, trong đó nhóm VN30 có nhiều mã tăng giá tích cực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm qua bị bán mạnh thì đầu giờ sáng nay đã bật tăng tốt nhờ lực cầu bắt đáy, có lúc VN-Index đã tăng trên 3 điểm.
Tuy nhiên, đến giữa phiên tình trạng nghẽn lệnh lại xuất hiện. Bên bán không biết giao dịch có thành công và bên mua cũng không đặt được lệnh. Giá cổ phiếu bị trượt đi theo thời gian, còn lệnh đặt bị ngừng lại, nhà đầu từ tù mù trên thị trường.
Do vậy, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu nhằm hạn chế cổ phiếu bị trượt giá xuống sâu thêm. Nhưng người sau bán đuổi người trước, khiến cho giá cổ phiếu trên thị trường ngày càng giảm sâu vào cuối phiên. Nhóm cổ phiếu mất giá sâu vẫn là thép, ngân hàng, chứng khoán và dầu khí.
Nhóm bluechip trên HOSE chỉ còn VJC tăng tốt 4,7%; VHM và SBT cùng tăng trên 2%, VNM tăng 1%; còn MSN, VIC, REE, chỉ còn xanh nhạt.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 có 6 mã giảm sâu từ trên 2% đến trên 3% như: HDB, STB, MBB, TPB, BID, TCB. Mã xăng dầu POW giảm 3,5%...
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 152 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index giảm 11,15 điểm tương đương giảm 0,82% xuống 1.347,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 532,81 triệu đơn vị, giá trị 16.662,8 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và giảm 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
 Sàn điện tử nhuốm đỏ VN-Index mất gần 40 điểm.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cung giá thấp tiếp tục bị đẩy vào thị trường, còn tình trạng nghẽn lệnh vẫn diễn ra. Trên sàn HOSE lực cung ồ ạt giá thấp đã khiến VN-Index lao dốc.
Nhóm cổ phiếu VN30 vẫn là gánh nặng chi chỉ số, với 26 mã giảm điểm, chỉ có 4 mã tăng, nhưng mức tăng không đáng kể. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm sâu nhất trong các trong rổ VN30. Vào đợt khớp lệnh ATC một số mã còn giao dịch tại giá sàn như HDB, STB.
Kết phiên, STB đứng giá sàn tại 28.600 đồng/CP, khớp trên 47 triệu đơn vị; HDB giảm 6,8% xuống 32.300 đồng/CP, khớp 6,4 triệu đơn vị; MBB giảm 6,2% xuống 37.300 đồng/CP, khớp 29,8 triệu đơn vị; BID giảm 4,3% xuống 44.800 đồng/CP, khớp 5,6 triệu đơn vị; TCB giảm 5,5% xuống 49.500 đồng/CP, khớp 25,2 triệu đơn vị; TPB giảm 5,9% xuống 35.000 đồng/CP, khớp 5,1 triệu đơn vị; CTG giảm 5,8% xuống 49.000 đồng/CP, khớp 16,1 triệu đơn vị;VCB giảm 2,9% xuống 100.000 đồng/CP, khớp 2,3 triệu đơn vị; chỉ có VPB giảm nhẹ  0,7% xuống 71.500 đồng/CP, khớp cao nhất nhóm VN30 với 50,8 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng giảm sâu còn có những mã không trong giỏ VN30 như LPB và MSB cùng đứng giá sàn, khớp lệnh lần lượt 21 và 9,5 triệu đơn vị; OCB giảm gần giá sàn mất 6,77%; ACB giảm 6,51%, có 14,3 triệu đơn vị; SSB giảm 1,15%, có 2,5 triệu đơn vị.
Lùi sâu trong giỏ VN30 còn có HPG giảm 5,1% xuống 50.000 đồng/CP, khớp 38,48 triệu đơn vị; POW giảm 6,2% xuống 12.100 đồng/CP, khớp gần 18 triệu đơn vị; VRE giảm 5,1% xuống 31.650 đồng/CP, khớp trên 8 triệu đơn vị; SSI giảm 6,7% xuống 44.000 đồng/CP, khớp 19,6 triệu đơn vị.
Ngoài ra BVH, GAS, PLX, PNJ, VIC, TCH giảm từ trên 2% đến trên 3%; còn nhóm giảm trên 1% đến gần 2% có NVL, PDR; 2 mã MSN và KDH giảm dưới 1%.
Trong khi đó, đi ngược thị trường chỉ có 4 mã xanh điểm. Trong đó, VJC tăng mạnh nhất 4,8% lên 117.200 đồng/CP; SBT tăng 1,4% lên 21.200 đồng/CP; VNM và REE tăng 0,3-0,4%.
Nhóm cổ phiếu ngành thép, ngoài HPG giảm mạnh thì các mã nhỏ và vừa cũng giảm sâu. Trong đó HSG giảm về giá sàn, khớp 14,6 triệu đơn vị; NKG cũng giảm sàn mất 7%; DTL giảm 6,5%; DLH giảm 6,6%; POM giảm 5,9%, chỉ có VIS giảm nhẹ 0,8%.
Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa khác cũng lùi sâu như: DXG đứng giá sàn, có 26,6 triệu đơn vị; FLC giảm 5,58%, có trên 30,4 triệu đơn vị; ROS giảm 2,8% có 16 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một số mã nhỏ khác lại tăng giá tốt như HAP, FTM cùng tăng trần, mooic mã có gần 2 triệu đơn vị; HQC thanh khoản vượt trội so với mọi phiên có trên 29 triệu đơn vị và tăng 3,2%; ITA tăng nhẹ 0,5% có trên 27 triệu đơn vị; SCR tăng 6,2%, có 22,3 triệu đơn vị; HAG tăng gần 2% có 9,8 triệu đơn vị; DPM tăng 3,3% có trên 4,6 triệu đơn vị …
Chốt phiên chiều, sàn HOSE có 321 mã giảm, chỉ có 94 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 38,9 điểm tương đương giảm 2,86%xuống 1.319,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 924,5 triệu đơn vị, giá trị 30.296,56 tỷ đồng, tăng 5,45% về khối lượng và tăng 4,75% về giá trị so với phiên hôm qua 7/6.
Đây là phiên có giá trị thanh khoản cao nhất từ trước đến nay, vượt 30.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhịp điều chỉnh hôm nay giá nhiều cổ phiếu đã xuống sâu, nhiều nhà đầu tư thấy đây là cơ hội xuống tiền gom hàng giá rẻ.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự HOSE với hàng loạt mã HNX30 giảm mạnh xuống giá sàn và gần giá sàn, khiến chỉ số mất trên 12 điểm.
Những mã giảm sâu như nhóm xăng dầu PVC, PVS, PVB đều đứng giá sàn; trong đó PVS khớp cao trên 31,2 triệu đơn vị, PVC có trên 2 triệu đơn vị; ngoài ra còn có CEO giảm sàn có 6,3 triệu đơn vị; BVS giảm gần giá sàn mất 9,3%; SHS giảm 9,1% có 16,6 triệu đơn vị; mã ngân hàng SHB giảm 3,3%, khớp cao nhất sàn có 53,6 triệu đơn vị; NVB giảm 4,5% có trên 11 triệu đơn vị. Ngoài ra còn có các mã giảm sâu từ 4% đến trên 9 như:TNG, TVC, NRC, NDN, MBS, LHC, HUT.
Trong khi đó, có duy nhất NBC trong nhóm HNX30 tăng giá trần và khớp 1,39 triệu đơn vị; SLS và DTD tăng lần lượt 3% và 3,3%; VMC tăng 0,9%.
Chốt phiên chiều, sàn HNX có 154 mã giảm và chỉ có 70 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 12,25 điểm tương đương giảm 3,84% xuống 306,39 điểm. Khối lượng thanh khoản đạt 237,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 5.689 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần