Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán lạc quan trong cẩn trọng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những nỗ lực thanh lọc, thị trường chứng khoán Việt đã có nhiều khởi sắc, tuy vậy vẫn đang đứng trước nhiều rủi ro từ bên ngoài. Do đó, chiến lược đầu tư có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này.

Xuất hiện yếu tố hỗ trợ thị trường

Sau một phiên giao dịch giằng co, ngày 8/6, VN-Index đã chính thức vượt ngưỡng 1.300 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 17/19 ngành tăng điểm, trong đó đà tăng mạnh nhất đến từ ngành hóa chất và dịch vụ tài chính. Dòng tiền có dấu hiệu cải thiện vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Đưa ra đánh giá về thị trường, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Thị Phương Lam cho biết, VN-Index đã rất khó khăn chinh phục ngưỡng điểm cao, trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng nợ vay ký quỹ gần như đã đạt đỉnh từ những tháng cuối năm 2021. Trong tháng 4 và tháng 5/2022, thị trường trải qua nhiều phiên giảm điểm mạnh với mức giảm từ xấp xỉ 1,5 - 2% đến xấp xỉ 4,7 - 4,8%. Ngoài ra, tổng giá trị khớp lệnh tháng 5/2022 đã giảm hơn 32% so với cùng kỳ.

VDSC tin rằng dư nợ vay ký quỹ theo đó cũng giảm đáng kể. Điều này ít nhất sẽ giúp thị trường tránh được những đợt giảm mạnh và sốc trong tháng 6/2022, thường gây ra bởi tình trạng bán giải chấp.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh  
Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh  

Thanh khoản thị trường tháng 5/2022 cũng có sự sụt giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân phiên họp trong tháng đạt 15,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE, giảm 31% so với tháng 4 và giảm 31% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng đầu năm giá trị giao dịch trên HOSE đạt 23 nghìn tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với con số của năm 2021. Thanh khoản suy yếu do khối nhà đầu tư cá nhân trong nước hạn chế giao dịch. Điều này đã đưa tỷ trọng giao dịch của khối ngoại quay lại mức cao, trong tháng 5/2022 chiếm 9,9% trên giá trị giao dịch trên HOSE so với mức 8,1% ở tháng 4/2022.

Một điểm rất tích cực trong đà phục hồi của thị trường trong tháng 5/2022 là khối ngoại đã đẩy mạnh mua vào ở các nhịp giảm sâu. Khối này có tháng mua vào mạnh thứ 2 liên tiếp, với giá trị mua ròng +3.184 tỷ đồng trên HOSE.

Chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đã đưa ra 4 động lực chính có thể hỗ trợ cho thị trường tháng 6 này. Theo đó, bên cạnh động lực đầu tiên là tình hình dịch Covid-19 được cải thiện ở Trung Quốc, thì tốc độ phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý II/2022, cải thiện từ mức tăng trưởng 5% trong quý I. Trong năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ.

Một trong những động lực nữa của thị trường chứng khoán Việt còn đến từ nỗ lực thanh lọc thị trường của các ban, ngành. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán, thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng… Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp, cảnh báo cho người dân, DN và nhà đầu tư.

Bộ đã trình Chính phủ sửa lại Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp, biện pháp minh bạch thị trường chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu DN. Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi. Đồng thời, Bộ cũng theo dõi sự lên, xuống đột ngột của cổ phiếu. Với trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập một kênh, một sàn riêng để theo dõi.

“Tới đây, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm từ dòng tiền, giao dịch bất thường. Thông qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện ra những vi phạm, trong đó có việc lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chắt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực leo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine.

VDSC cho rằng yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng, và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6/2022.

Thiên về chiến lược phòng thủ

Nói về thị trường chứng khoán tháng 6/2022, bà Nguyễn Thị Phương Lam nhận thấy không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Xét về định giá, nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt đã giảm về vùng giá hợp lý cho chiều nắm giữ. Song xét về yếu tố dòng tiền, vì thiếu thông tin hỗ trợ, khả năng thanh khoản sẽ chỉ cải thiện nhẹ so với mức bình quân của tháng 5/2022.

VDSC đưa ra dự báo, VN-Index biến động trong vùng 1.240 - 1.350 điểm cho đến khi có thêm chất xúc tác để chỉ số xác định rõ xu hướng. VDSC cân nhắc đến các yếu tố thông tin, dòng tiền hay định giá, có thể thấy thị trường đang ở thế cân bằng - yếu.

Do vậy, VDSC cho rằng chiến lược đầu tư có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này. Theo đó, thay vì “full margin” như thời gian trước, nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc với nhà đầu tư thận trọng có thể duy trì tỷ lệ cổ phiếu: Tiền mặt ở mức 70:30), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường. Đồng thời, việc giải ngân cần có sự kiên nhẫn, chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào, thay vì theo tâm lý “Fomo” như trước đây.

Phần lớn thông tin tiêu cực đã ra và đã chiết khấu rất lớn vào giá cổ phiếu. Đôi khi, ở những giai đoạn trống thông tin hỗ trợ, đặc biệt sau giai đoạn thị trường điều chỉnh rất mạnh, thì việc phần lớn tín hiệu tiêu cực đã được hấp thụ cũng là tin tốt.

Việc các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) thu hút thêm tiền vào thị trường, tăng cầu và kích thích giá cổ phiếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - qua đó giúp chỉ số thị trường cân bằng và có xu hướng cải thiện dần, cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ tâm lý cho đông đảo nhà đầu tư cá nhân.

Xa hơn, theo kế hoạch của cơ quan chủ quản, hệ thống KRX sẽ sớm được đưa vào vận hành, cũng như cập nhật về tình hình đăng ký, giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là những thông tin tích cực bổ trợ. Các thông tin mới về hệ thống sẽ có ảnh hưởng nhất định lên tâm lý của nhà đầu tư cá nhân vốn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch thị trường.