Chứng khoán toàn cầu tiếp tục có phiên khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần khi niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện. Chuỗi tăng vừa qua giúp các chỉ số chính đã lấy lại được gần hết những gì đã mất trong đợt bán tháo đầu tháng 2.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần và phục hồi phần lớn từ đà sụt giảm trong đợt bán tháo hồi đầu tháng này, khi đà suy yếu của lợi suất trái phiếu Chính phủ đã làm dịu bớt những lo ngại của nhà đầu tư về sự gia tăng lãi suất.
Tất cả 3 chỉ số chính tại thị trường Phố Wall đều tăng hơn 1% trong phiên ngày 26/2. Trong đó, S&P 500 hiện chỉ thấp hơn 3,2% so với mức kỷ lục xác lập vào ngày 26/01/2018. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE, thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, cũng giảm nhẹ xuống 15,8.
Lợi tức trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ trong phiên đầu tuần giảm xuống mức 2,8642% từ mức cao nhất 4 năm của tuần trước. Trong khi đó, hôm thứ Sáu tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định và không có rủi ro nghiêm trọng nào có thể khiến cơ quan này thay đổi tốc độ tăng lãi suất trong năm nay.
Các chỉ số chứng khoán chính đã lao dốc từ các mức kỷ lục lập được vào tháng 1/2018 do lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể khiến FED nâng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm nay.
Giới đầu tư sẽ thận trọng xem xét buổi điều trần bắt đầu từ ngày thứ Ba (27/2) của Chủ tịch FED, Jerome Powell, trước Quốc hội trong nhiệm vụ quan trọng đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Lĩnh vực công nghệ vọt 1,6% và dẫn đầu đà tăng trong số các lĩnh vực chính thuộc S&P 500. Theo sau là đà tăng 1,4% của lĩnh vực công nghiệp và 1,5% của nhóm cổ phiếu tài chính.
Kết thúc phiên ngày 26/2, chỉ số Dow Jones tăng 399,28 điểm (tương đương 1,58% lên 25.709.27 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 32,3 điểm (tương đương 1,18%) lên 2.779.6 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 84,07 điểm (tương đương 1,15%) lên 7.421.46 điểm.
Khoảng 6,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 8,6 tỷ, theo dữ liệu của Thomson Reuters.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đã đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Hai nhờ tín hiệu tích cực của chứng khoán Mỹ và châu Á, cũng như đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghiệp.
Tuy nhiên, đà tăng có phần bị hạn chế khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng này vẫn tin tưởng rằng lạm phát đang có xu hướng tăng, ủng hộ cho kế hoạch dừng chương trình mua trái phiếu của ECB trong năm nay.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,17 điểm (tương đương 0,62%), lên 7.289,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 43,25 điểm (khoảng 0,35%), lên 12.527,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,89 điểm (tương đương 0,51%), lên 5.344,26 điểm.