Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ đảo chiều đi xuống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi chìm xuống trong phần lớn thời gian giao dịch trong ngày, cổ phiếu Phố Wall đã "bừng tỉnh" vào những giờ phút cuối cùng sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng trong nỗ lực hòa giải những bất đồng giữa hai đảng xung quanh vấn đề "vách đá tài khóa."

Sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp, hôm qua (13/12), chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 đã đảo chiều đi xuống, khi những lo lắng về vực thẳm ngân sách lại bao phủ tâm lý giao dịch toàn thị trường.

Sự quan ngại của giới đầu tư về khả năng các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Quốc hội Mỹ không thể đạt được tiến bộ nào trong các vòng đàm phán vực thẳm ngân sách, đã xóa nhào những tác động tích cực từ các báo cáo doanh số bán lẻ cũng như số người thất nghiệp được công bố trong ngày.

Vực thẳm ngân sách là tình trạng được cho rằng sẽ xuất hiện khi các chương trình tăng thu thuế, giảm chi tiêu công tự động của Mỹ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2013. Một khi vực thẳm ngân sách xuất hiện, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ bị đẩy trở lại suy thoái sâu và tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều đi xuống - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall vẫn giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average mất 74,73 điểm xuống 13.170,72 điểm; S&P 500 lùi 9,03 điểm xuống 1.419,45 điểm (phiên giảm đầu tiên sau sáu ngày tăng liên tiếp), và Nasdaq Composite tụt 21,65 điểm xuống 2.992,16 điểm.

Phiêm hôm qua, nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ giảm mạnh nhất. Chỉ số S&P lĩnh vực năng lượng giảm 0,9%, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu của tập đoàn công nghiệp Nabors giảm tới 4,7% xuống còn 13,85 USD. Về lĩnh vực công nghệ, nổi lên cổ phiếu của Apple giảm 1,7%, IBM hạ 0,5%.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức vừa phải, với 6,16 tỷ cổ phiếu được sang nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 6,52 tỷ cổ phiếu trong năm. Số cổ phiếu giảm vượt hơn số tăng trên sàn New York với tỷ lệ 7/3, còn sàn Nasdaq là 5/3.

Bên kia bờ Đại Tây Dương châu Âu, các sàn chứng khoán cũng chủ yếu mất điểm do giới đầu tư lo ngại về một thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU), theo đó trao cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyền giám sát hệ thống ngân hàng khu vực.

Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của khu vực đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh giảm xuống còn 5.929,61 điểm; DAX 30 của Đức lùi xuống mức 7.581,98 điểm, và CAC 40 của Pháp xuống 3.643,13 điểm.

Tiếp nối màu đỏ phiên trước (13/12) trên các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 14/12 cũng chủ yếu đi xuống do các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về vấn đề "vách đá tài khóa" ở Mỹ.

Phiên này, ngay cả thị trường Tokyo đi lên liên tục thời gian gần đây hiện cũng đang quay đầu đi xuống sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết niềm tin của các nhà doanh nghiệp nước này đã sụt giảm mạnh trong các tháng cuối cùng của năm.

Mở cửa phiên 14/12, hai thị trường Hong Kong và Nhật Bản đang để mất điểm, với các mức giảm lần lượt là 0,22% và 0,40%. Riêng thị trường Thượng Hải tăng nhẹ 0,28%, chủ yếu nhờ hy vọng ban lãnh đạo mới của nước này sẽ có các biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng có phần bị hạn chế trước áp lực thanh khoản vào cuối năm.